Biến đổi khí hậu

Thừa Thiên - Huế: Xây kè ứng phó sạt lở biển

Bài và ảnh: Văn Dinh 18/04/2023 - 13:17

(TN&MT) - Tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan chức năng đang ưu tiên đầu tư xây dựng kè để ứng phó.

Tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan chức năng đang ưu tiên đầu tư xây dựng kè để ứng phó.

Bờ biển sạt lở nặng

Mỗi khi mưa lớn kéo dài, triều cương dâng, bão tấn công... thì dải đất ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục sạt lở theo từng đợt sóng mạnh. Đơn cử như hằng năm, khoảng 4.200 hộ dân ở cácthôn An Dương 1,An Dương 2vàAn Dương 3(xã Phú Thuận,huyện Phú Vang) đặc biệt là 600 hộ dân sống ven vùng biển nơm nớp lo sạt lở. Nhiều km biển đã “ăn sâu” vào sát nhà dân. Các khóm dứa dại, cây hoang mọc sát bờ biển bị sóng đánh vào sát tận chân gốc. Những ngôi nhà nuôi tôm cũng bị sóng đánh trơ móng và bỏ hoang.

kehue-2.jpg

Xây kè chống dạt lở biển

Dù nơi đây đã xây dựng bờ kè ngắn nhưng tình trạng biển “nuốt” đất vẫn đang diễn ra cực kỳ nghiêm trọng. Cứ mỗi khi có bão lớn, tại khu vực đầu múi kè, sóng to và triều cường dữ dội làm nhiều doi cát liên tục bị sạt.

“Sạt lở bờ biển ở địa phương diễn ra hơn chục năm nay. Mỗi năm, biển xâm thực sâu vào bờ nhiều mét. Người dân lo lắng đến mất ăn mất ngủ, cứ nghe tiếng sóng vỗ là bất an”, ông T., trú thôn An Dương 2 chia sẻ.

Tháng 2 vừa qua, mưa cường suất lớn đã làm sạt lở tuyến đường tuần tra ven biển từ Đồn Biên phòng Phong Hải (huyện Phong Điền) đến thôn Hải Đông với chiều dài đoạn sạt lở khoảng 40 m, ăn sâu vào đất liền 2 m. Chính quyền xã Phong Hải đã tiến hành rào chắn tạm thời bằng cây dứa và đặt biển báo cảnh báo các phương tiện.

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải thông tin, những năm qua, tình hình sạt lở bờ biển do triều cường, thay đổi dòng chảy khá phức tạp ở địa phương. Đặc biệt, từ năm 2020, tuyến bờ biển khoảng 3 km thuộc các thôn Hải Thế, Hải Đông, Hải Nhuận, Hải Phú, Hải Thành bị sạt lở. Trong đó, có điểm sạt lở nặng ăn sâu vào đất liền và cách nhà dân chỉ vài chục mét, trực tiếp uy hiếp hơn 60 hộ dân ở thôn Hải Thành.

Để ứng phó với sạt lở ven biển và bảo vệ đê kè, Thừa Thiên - Huế đã trồng 255ha rừng trên cát ven biển, 246ha rừng ngập mặn ven đầm phá, rừng ngập nước ngọt ở các địa phương

“Mới đây, tuyến đường tuần tra biển đến thôn Hải Đông sạt lở do mưa lớn. Trong điều kiện nguồn lực xã còn khó khăn, công tác gia cố chỉ tạm thời bằng bao cát, các vật dụng đơn giản. Tuy nhiên, chỉ trong một mùa mưa bão là hư hỏng và sạt lở tiếp diễn. Về lâu dài cần đầu tư kè kiên cố hóa để bảo vệ khu dân cư phía bên trong”, ông Sửu nói.

Xây kè ứng phó

Trước thực trạng biển bị “tấn công” ngày càng mạnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định việc đầu tư, khắc phục sạt lở bờ biển rất cấp bách, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó, xây dựng các đoạn kè là một trong những giải pháp đã và đang thực hiện, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, một chuyên gia xây dựng về đê kè sạt lở tại Huế cho rằng, việc thi công kè biển không đơn giản, phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, cụ thể là triều cường, các đợt ảnh hưởng của không khí lạnh cũng như áp thấp... Vì thế, các đơn vị thi công chủ yếu tập trung máy móc nhân lực trong thời gian nắng, thời gian biển sóng yên.

Trong các năm qua, bằng nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài hơn 6,5 km trên địa bàn, như kè biển Thuận An, Phú Thuận, Giang Hải...

Tháng 6/2022, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 5 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã nhất trí thông qua chủ trương đầu tư dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận và xã Phú Hải (huyện Phú Vang).

Dự án có tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng bao gồm xây dựng tuyến kè bảo vệ có chiều dài 300m với kinh phí khoảng 14 tỷ đồng; xây dựng tuyến đê ngầm dài khoảng 550 m cách bờ biển 150m – 200 m với kinh phí 108 tỷ đồng và hiện dự án đang được triển khai.

Ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện nay ngành chức năng đang tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng thiết yếu. Rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặt biệt trong mùa mưa lũ hàng năm và cảnh báo cho chính quyền địa phương lắp dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm.

Ngoài ra, thông qua các chương trình, địa phương tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè, tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển. Đề xuất UBND tỉnh kiến nghị bộ, ngành Trung ương xây dựng kè chống sạt lở các đoạn sạt lở xung yếu trên địa bàn tỉnh với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng để thực hiện trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Văn Dinh