Môi trường

Quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa tại Việt Nam: Chính quyền và người dân cùng vào cuộc

Trung Nguyên 18/04/2023 - 13:16

(TN&MT) - Ở quy mô địa phương, việc xây dựng kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa là nền tảng để thúc đẩy việc xử lý và xóa các điểm nóng về rác thải nhựa.

Đây là kinh nghiệm rút từ giai đoạn đầu triển khai chương trình Đô thị giảm nhựa do WWF thực hiện trong hơn 2 năm qua.

Xóa điểm nóng và cải thiện hệ thống thu gom

Chương trình Đô thị giảm nhựa được thực hiện tại 7 địa phương, gồm: Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng), TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), TP. Tân An (tỉnh Long An), TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), TP. Tuy Hòa (Tỉnh Phú Yên). Trừ TP. Đồng Hới, 6 đô thị còn lại đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đặt ra các mục tiêu cụ thể về vấn đề quản lý rác thải sinh hoạt nói chung và giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng.

Tùy vào điều kiện cụ thể, dự án và chính quyền địa phương thống nhất lựa chọn những hành động, giải pháp cụ thể, có thể thực hiện ngay. Đơn giản như hỗ trợ đặt thêm thùng rác cỡ lớn để cải thiện hệ thống thu gom, hướng dẫn phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình và chợ dân sinh; đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ nguồn cho Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, giáo viên; xây dựng mô hình trường học không nhựa, chợ dân sinh/siêu thị giảm túi ni-lông, giảm rác nhựa...

anh-bai-2-diem-tap-ket-xanh-tai-quan-thanh-khe-tp.-da-nang.jpg
Điểm tập kết xanh tại quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng

Phức tạp hơn là ra quân xóa các điểm “nóng” về rác thải và xây dựng những điểm tập kết xanh; hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho các sáng kiến giảm nhựa của địa phương... Ghi nhận tại các đô thị, chính quyền địa phương cũng như người dân đều rất ủng hộ, tham gia tích cực, tạo chuyển biến trong cả nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường, quản lý rác thải.

Năm 2022, Dự án và các địa phương tập trung cải thiện việc quản lý và vận hành hệ thống thu gom, đặc biệt là các điểm tập kết rác nhằm xóa hình ảnh các thùng rác, bãi rác mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị. Các điểm tập kết xanh được xây dựng, có vách che chắn và nền đất đảm bảo không đọng nước, bổ sung thùng rác cỡ lớn và sử dụng chế phẩm giảm ô nhiễm mùi. Điểm tập kết cũng trang bị hệ thống camera dùng năng lượng mặt trời để hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi. Bên ngoài phông quây có dán đề-can với nội dung tuyên truyền giảm thiểu rác nhựa, bảo vệ môi trường sống và thúc đẩy phân loại rác.

Tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng, mô hình sau khi hoàn thành đang tạo ra “tiếng vang” trên toàn địa bàn thành phố và được nhân rộng bằng nguồn lực của địa phương. Một trong những thành công đáng ghi nhận nhất, đó chính là việc tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng người dân sinh sống trong khu vực. Bên cạnh đó, từ kết quả khảo sát về hiện trạng quản lý và phát sinh rác nhựa tại khu vực sông Phú Lộc, dự án đã ghi nhận 20 điểm nóng phát sinh rác thải thuộc địa bàn quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu.

Đặc biệt, khu vực đường Nguyễn Văn Huề có lượng rác tồn đọng lên tới hơn 3 tấn, trong đó có hơn 850 kg rác thải nhựa. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và tới nay, tất cả các điểm nóng đã được dọn sạch.

Thay đổi đáng kể cũng có thể thấy rõ ở khu vực Hòn Yến (tỉnh Phú Yên) - vùng biển từng đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học và ô nhiễm rác nghiêm trọng. Đến nay, người dân địa phương đã không còn vứt rác trực tiếp ra môi trường và chủ động tham gia vào hệ thống thu gom rác tại chỗ.

Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn

Thực tế triển khai hoạt động phân loại rác tại các đô thị cho thấy, hình thức kiểm soát trực tiếp chất lượng phân loại rác và phân loại lại ngay từ hộ gia đình đã được chứng minh có tính khả thi cao và rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Phương pháp này cũng đóng góp vào việc giảm áp lực về xử lý rác, thu hồi CTN và giúp tiết kiệm chi phí thông qua tái chế khoảng 30 - 35% so với hệ thống hiện tại.

Tại TP. Tân An (tỉnh Long An), chỉ sau 2 tuần triển khai, hơn 85% người dân khu phố Bình Đông 2 đã thực hành phân loại rác tại nguồn tốt hơn. Trong 10 tháng, 980 tấn rác hữu cơ chất lượng cao đã được thu gom riêng tại phường 3. Ước tính, hơn 60% tổng số rác thải có thể được chuyển đổi thành phân hữu cơ và không phải mang đi chôn lấp.

Tại TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Dự án đã tích cực làm việc với các bên liên quan để thí điểm phân loại rác tại gia đình và khu vực chợ Phường 7, tiến tới việc thu gom riêng và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp ủ có sục khí tại bãi rác Thọ Vức. Từ đầu năm 2023, URENCO đang vận hành 5 hố ủ, xử lý 500 tấn rác hữu cơ/ngày. Sở TN&MT và UBND TP. Tuy Hòa đóng vai trò chỉ đạo và giám sát hoạt động, đồng thời, rút kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch lớn hơn cho TP. Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung khi chế tài xử phạt vi phạm phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 áp dụng từ 1/1/2025.

Nhìn chung, đa số hoạt động giảm CTN đều được các địa phương tiếp nhận, nhân rộng và duy trì những kết quả tốt nên có tính bền vững cao. Trong thời gian tới, cùng với tiếp tục triển khai các hoạt động trong cộng đồng, dự án cũng dành nhiều nguồn lực để vận động khối doanh nghiệp trên địa bàn các đô thị tham gia giảm thiểu CTN, đặc biệt là các doanh nghiệp HORECA (khách sạn, nhà hàng, quán cà phê). Đây cũng là nhóm đối tượng chưa có giải pháp triệt để và cần nghiên cứu thêm.

Các địa phương cũng nhận định, cần có thêm công cụ pháp luật cũng như ngân sách, hạ tầng cơ sở đồng bộ để có thể nâng cao hiệu quả giảm nhựa hơn nữa.

Trung Nguyên