Doanh nghiệp nhập khẩu vào châu Âu phải báo cáo phát thải các-bon từ tháng 10/2023

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:20, 14/04/2023

(TN&MT) - Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) từ ngày 1/10/2023. Theo đó, các nhà nhập khẩu vào châu Âu có nghĩa vụ phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính từ hàng hóa, nhằm chuẩn bị cho lộ trình đánh thuế các-bon từ năm 2026.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn kết quả đánh giá tác động của CBAM và đề xuất chính sách thuế carbon cho hàng hóa của Việt Nam, do Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức vào ngày 14/4, tại Hà Nội.

4 lĩnh vực của Việt Nam chịu tác động

Theo kế hoạch của Nghị viện châu Âu, giai đoạn đầu từ tháng 10/2023 đến hết năm 2025, CBAM sẽ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu trong 6 lĩnh vực: thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro.

Bà Sirpa Jarvenpaa- Giám đốc Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) cho biết: CBAM yêu cầu các nhà nhập khẩu hàng hóa vào EU phải đáp ứng một mức thuế phát thải các-bon tương ứng như các nhà sản xuất của EU bị áp, căn cứ vào lượng khí thải các-bon trong quá trình sản xuất. Cơ chế này nhằm giữ thị trường cạnh tranh công bằng và đảm bảo lộ trình giảm phát thải của EU.

Nhằm đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát trên 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể vào thị trường EU là: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngàng hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

anh-1.jpg
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của CBAM phát biểu tại hội thảo

Trong đó, lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%. Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể. Nếu xét về mặt tích cực, CBAM sẽ tạo ra động lực trực tiếp giảm phát thải cho các nhà sản xuất bị ảnh hưởng. Việc này sẽ có tác động lớn hơn nếu có thể mở rộng sang các ngành khác, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và các cam kết giảm phát thải của Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của CBAM, mặc dù các nhà nhập khẩu của châu Âu là đối tượng chịu trách nhiệm báo cáo và chịu phí CBAM, nhưng để có thông tin báo cáo, họ sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất của Việt Nam. Ghi nhận thực tế cho thấy, một số đối tác châu Âu đã có động thái này. Hiện, doanh nghiệp Việt mới chỉ có thể cung cấp thông tin phát thải trong quá trình sản xuất, gia công hàng hóa, trong khi CBAM yêu cầu thông tin số liệu phát thải trong cả nguyên liệu đầu vào sản xuất.

917a0038.jpg
PGS.TS. Lương Đức Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ về các giải pháp giảm phát thải trong ngành xi măng

Theo đề xuất của EU, cách tính phát thải hàng hóa sẽ ưu tiên phát thải thực tế do doanh nghiệp tự đo đếm. Trường hợp doanh nghiệp không thể xác định được đầy đủ hoặc có phát thải gián tiếp, CBAM sẽ sử dụng giá trị phát thải mặc định trung bình cho từng quốc gia xuất khẩu, do Ủy ban châu Âu ban hành dựa trên thông tin do nước xuất khẩu hoặc nhóm nước xuất khẩu cung cấp. Quốc gia không có giá trị mặc định sẽ dựa theo các cơ sở phát thải cao ở EU cho từng loại mặt hàng. 

Các rào cản trước mắt

Hiện nay, các quy định cụ thể của CBAM vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng có khả năng sẽ mở rộng áp dụng sang các mặt hàng xuát khẩu khác của Việt Nam như gốm sứ, bột giấy và giấy... Các tác động phi kinh tế liên quan đến công tác hành chính, báo cáo có thể đáng kể hơn. Bà Loan chia sẻ, theo nghĩa vụ báo cáo CBAM từ tháng 10 năm nay đến 2025, nhà nhập khẩu chưa phải trả tiền cho lượng phát thải vượt ngưỡng nhưng doanh nghiệp phải chuẩn bị các thông tin báo cáo về luợng sản phẩm, lượng phát thải trong sản phẩm, chi phí trả cho định giá các-bon trong nước...

Từ năm 2026, việc chi trả sẽ được thực hiện và sẽ phải có bên thứ 3 là đơn vị thẩm định với những quy tắc nghiêm ngặt. Theo kinh nghiệm từ các dự án thẩm định tín chí các-bon hiện nay, quá trình xác minh dữ liệu và khảo sát hiện trường thường mất từ 3 – 6 tháng. Nếu Việt Nam có quy định về định giá các bon, một phần tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu đáng lẽ phải trả cho EU sẽ được giữ lại ở Việt Nam.

917a0109.jpg
Các đại biểu thảo luận về tác động của Cơ chế CBAM

Theo ông Đinh Quốc Thái – Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, khi CBAM được áp dụng, nhà nhập khẩu EU phải nhận thông tin liên quan đến phát thải các bon từ nhà xuất khẩu và báo cáo với cơ quan chính phủ EU, nhưng thủ tục này rất khó khăn và có khả năng trở thành rào cản nhập khẩu.

Thời gian tới, cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược/kế hoạch hành động để ứng phó với CBAM và có giải pháp thích hợp về phòng vệ thương mại theo quy định của WTO. Doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải các bon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2.

Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, Chương trình ETP và Cục Biến đổi Khí hậu sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của Cơ chế CBAM đến Việt Nam và đề xuất chính sách thuế các-bon phù hợp với Việt Nam. Đây là cơ sở để đề xuất cải thiện khung chính sách về định giá các-bon và giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới.

Khánh Ly