Tiềm năng phát triển cây cao su ở Lào Cai

Xã hội - Ngày đăng : 14:41, 17/08/2018

(TN&MT) - Cây cao su được tỉnh Lào Cai đưa vào trồng với kỳ vọng sẽ trở thành cây xoá đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân vùng cao. Việc phát triển cây cao su gắn với việc xây dựng hệ thống rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai là nơi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động trồng cây cao su, đánh dấu thời điểm bắt đầu thực hiện các bước thí điểm phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

9-1609809762-lao-cai-chu-trong-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-rung.jpg
Cây cao su phát triển tốt, thích ứng với khí hậu ở Lào Cai

Anh Lý Văn Quân, Tổ trưởng tổ công nhân, Đội sản xuất cao su Bản Phiệt, cho biết: Cây Cao su sinh trưởng và phát triển tốt và cơ bản đạt tiêu chuẩn vườn cây do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quy định cho vùng miền núi phía Bắc. Việc tỉnh Lào Cai mở rộng trồng cây Cao su sẽ có thêm nhiều việc làm, đồng nghĩa với đó là thu nhập được nâng lên, đây chính là mong muốn của tôi cũng như nhiều công nhân cao su khác.

Được biết, diện tích quy hoạch trồng cao su của tỉnh Lào Cai dự kiến khoảng 11.500ha, trong đó, tập trung ở các huyện: Bát Xát 4.420ha, Văn Bàn 2.600ha, Mường Khương 680ha, Bảo Thắng 2.800ha, TP. Lào Cai 1.000ha. Để tạo điều kiện cho việc thâm canh và chế biến, chủ trương của tỉnh Lào Cai là phát triển cây Cao su theo hướng đại điền. Sau khi mô hình Cao su đại điền hình thành phát triển thành công sẽ mở rộng diện tích cao su tiểu điền, khi đó diện tích Cao su của tỉnh Lào Cai có thể đạt 20.000ha.

base64-16792278353921701747507.png
Người trồng cao su tin tưởng cây có thể phát triển xóa đói giảm nghèo

Vợ chồng anh Phàn A Sinh, thôn Khe Dùng, xã Bản Phiệt, đã làm việc tại Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Lào Cai từ nhiều năm nay. Anh Sinh cho biết: Lương của hai vợ chồng mỗi tháng được 7 triệu đồng, không cao nếu so với đi làm thuê nhiều công việc khác. Tuy vậy, được cái gần nhà, thời gian rảnh chúng tôi có thể tranh thủ làm các công việc khác, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Chúng tôi tin, khi cao su đến giai đoạn khai thác mủ, thu nhập gia đình sẽ
được cải thiện hơn.

Ông Phàn Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết: Chính quyền xã đã tích cực phối hợp với công ty giải phóng mặt bằng và vận động người dân địa phương góp đất trồng cây Cao su. Việc phát triển cao su góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động địa phương. Cùng với đó, thị trường mủ Cao su có giá trị kinh tế cao, cùng với những thống kê dự báo tích cực về triển vọng cây Cao su khiến loại cây được ví như “vàng trắng” kỳ vọng tạo ra những đổi thay đáng kể trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Bên cạnh yếu tố thị trường, việc Lào Cai đưa cây Cao su vào trồng thí điểm còn có những căn cứ khoa học ở khía cạnh môi trường sinh thái. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quan điểm nhất quán được tỉnh Lào Cai xác định khi quy hoạch phát triển cây Cao su là phải có bước đi phù hợp, có giải pháp đồng bộ, trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn, gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có sức cạnh tranh. Ngoài ra, phát triển cây Cao su phải được sự đồng thuận của người dân; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia.

Mặc dù biết, Cao su là cây có giá trị kinh tế cao, nhưng do là cây trồng mới, tỉnh Lào Cai vẫn xác định phương châm phát triển thận trọng, từng bước xây dựng quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để cây Cao su thực sự mang lại lợi ích cho người dân. 

Bích Hợp