Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn trong tích tụ đất đai hướng tới phát triển kinh tế bền vững

Đất đai - Ngày đăng : 14:15, 14/04/2023

Sau 4 năm kể từ khi Nghị quyết số 13 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao được ban hành, tuy vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn cần sớm được tháo gỡ, song đến nay tỉnh Thanh Hóa đã tích tụ, tập trung được 43.800 ha đất, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn.

Tháo gỡ khó khăn trong tích tụ đất đai

Ngày 11/01/2019 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 13 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ cơ chế, chính sách khuyến khích và kích cầu của tỉnh Thanh Hóa, nhiều địa phương đã triển khai áp dụng, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống, Quảng Xương Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân … Có những trường hợp tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường.

a1(2).jpg
Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trên địa bàn cả nước ban hành Nghị quyết về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn công nghệ cao

Tuy nhiên, trong quá trình tích tụ đất đai ở các địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, như: Hệ thống kết cấu hạ tầng như thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến, bảo quản nông sản,... chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; việc ứng dụng tiến bộ hoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; thiếu doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Chất lượng dịch vụ của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chưa cao.

Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa mới chỉ giới hạn ở đất được thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khác được nhà nước giao đất lâu dài. Điều này tạo vướng mắc cho chủ đầu tư muốn tích tụ được diện tích đủ để được hưởng chính sách. Đồng thời, tâm lý bám đất, sợ mất đất của bà con nông dân cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình tích tụ.

a2(2).jpg
Chính sách tích tụ đất đai đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp tại Thanh Hóa

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện Nghị quyết còn gặp nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng đến công tác tổ chức thực hiện.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa: Để thực hiện có hiệu quả chính sách tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao như đã đề ra, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra các giải pháp cụ thể, mang tính bền vững. Trong đó, công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh, giải quyết tốt tâm lý hoài nghi bị mất đất, giữ đất của một bộ phận nông dân dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất không hiệu quả song vẫn không chuyển nhượng, cho thuê đất. Tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình tích tụ, tập trung đất đai thí điểm. Huy động nguồn lực đầu tư; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết doanh nghiệp và hộ nông dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

Từ Nghị quyết số 13 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa, nhiều giải pháp đã được đề ra nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Trong đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 192 ngày 16/10/2019 về cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai. Chính sách hỗ trợ một phần kinh phí thuê đất, chuyển nhượng đất để khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn công nghệ cao đối với lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.

a3(2).jpg
Thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tập trung quy mô lớn

Cụ thể như tại huyện Thiệu Hóa, đến nay huyện đã tích tụ, tập trung đất đai được gần 530 ha để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung như: vùng lúa năng suất, chất lượng hiệu quả cao, vùng sản xuất rau an toàn tập trung, vùng sản xuất ớt xuất khẩu, vùng sản xuất ngô ngọt và ngô thương phẩm. Theo đánh giá của phòng nông nghiệp, hầu hết các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn trên địa bàn huyện đạt trung bình khoảng 200 đến 300 triệu/ha/năm.

Bên cạnh đó, huyện Nga Sơn đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: hỗ trợ 70 triệu đồng/1.000 m2 cho các hộ làm nhà màng, nhà lưới, hỗ trợ 23 triệu đồng cho 1 hộ có diện tích từ 1.000 m2 trở lên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Từ chính sách hỗ trợ của huyện, đã khuyến khích nhiều hộ, doanh nghiệp, đơn vị đầu tư sản xuất. Đến nay, huyện Nga Sơn đã có trên 250.000 m2 nhà màng sản xuất rau, quả, nuôi trồng thủy sản. Tích tụ, tập trung đất đai được gần 280 ha để sản xuất quy mô lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn trên địa bàn huyện đạt trung bình khoảng 200 đến 300 triệu/ha/năm.

a4.jpg
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả

Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 192 của Hội đồng nhân dân tỉnh, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao của Thanh Hóa đạt trên 43.800 ha (tăng trên 33.350 ha so năm 2018). Tính riêng giai đoạn từ 2021 - nay, tổng diện tích tích tụ đạt trên 17.140 ha, vượt trên 53% so với Kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Để việc tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao được triển khai đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thu Thủy