Mùa gió Lào thổi

Xã hội - Ngày đăng : 16:21, 13/04/2023

(TN&MT) - Khi tiếng con chim “bắt cô trói cột” hót lanh lảnh bìa rừng, là khi đồng bào vùng cao Tây Bắc làm đất chuẩn bị mùa nương rãy. Ấy là khi Điện Biên đón trọn mùa gió Lào khô hanh và nóng rát. Thi thoảng trời cho làm mưa xuống, những “cơn mưa vàng” tưới ẩm đất để đồng bào tra ngô, trỉa hạt.

Tháng tư, Điện Biên mùa gió Lào thổi về ràn rạt… kèm theo hơi nóng đốt nương của đồng bào. Những ngày này, tàn tro bay khắp nơi, bay cả vào nhà, trong giường ngủ, vại nước, trong sân… cả không gian tinh màu trắng đục. Mặt trời trên cao đỏ ối. Sông hồ cạn nước, cây lá héo úa… đất nỏ khô lạo xạo dưới chân người. Hốc mũi khô hanh, cổ họng khô khốc, người lúc nào cũng như đang sốt nhẹ. Và đây cũng là thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn, cháy rừng… một phần do khí hậu khô hanh, một phần do phong tục đốt nương làm rẫy của đồng bào.

trong-ngo.jpg
Đồng bào vùng cao Điện Biên làm đất chuẩn bị mùa nương rãy

Những ngày gió Lào thổi, người đi đưởng cảm nhận được hơi nóng như đang phả vào mặt, khô nóng và rát. Tháng tư là thời điểm gió thổi mạnh nhất trong năm. Mặt trời con sào, gió Lào bắt đầu thổi. Gió thổi đều đều như quạt lửa, đến khi mặt trời đứng bóng gió thổi mạnh vi vút, bứt cả những lá trẩu non trên cây ném xuống, cho đến lúc mặt trời xiên chéo rồi giảm dần, đến cuối ngày là tắt hẳn. Khi ấy, những lá cây còn xanh non rơi xuống đất, nhặt lên giòn tan và vỡ vụn. Xẩm tối sương rơi, đồng bào chọn thời điểm này để đốt nương, những thân tre, thân vầu nổ đôm đốp, ngọn lửa thè dài như lưỡi con quỷ đỏ lòm, loáng cái liếm đi cả cánh rừng.

Thực tình, chưa có cơn gió nào lại lạ lùng như gió Lào. Gió mà lại nóng ran, rát da rát thịt. Sở dĩ được gọi là gió Lào là gió được thổi từ nước bạn Lào sang cũng có thể gọi đó là hiệu ứng gió “phơn”… Sau khi vượt qua lãnh thổ Campuchia và Lào, gió mất đi một phần hơi ẩm, gặp dãy núi Trường Sơn không khí bị đẩy lên cao và mạnh, hơi nước đều bị ngưng kết lại tạo thành mưa và rơi xuống sườn phía Tây dãy Trường Sơn, khi gió thổi sang sườn phía Đông, gió trở nên khô và nóng.

Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc hơn 455km. Trong đó đường biên giới giáp Lào hơn 400km, Trung Quốc là 40,86km. Lẽ đó mà Điện Biên chịu sự ảnh hưởng của gió Lào!?...

Gió Lào ở Điện Biên thổi bắt đầu từ tháng 3, mạnh nhất vào tháng 4 và sang tháng 5 bắt đầu chớm mùa mưa, gió thổi yếu dần. Những năm gần đây do sự biến đổi của khí hậu mà thời tiết Điện Biên cũng có phần khác trước, gió Lào thổi không mạnh như những năm 2005, 2007. Đặc biệt, hệ thống hồ điều hòa của Điện Biên cũng làm dịu đi một phần hơi nóng của hiện tượng gió “phơn”. Mỗi đợt gió kéo dài từ 5 đến 7 ngày, gió thổi bắt đầu từ 8 giờ sáng đến chiều muộn. Thời điểm gió thổi mạnh nhất từ lúc 11 giờ trưa đến khoảng 14 giờ chiều.

mu-kho.jpg
 Gió Lào ở Điện Biên thổi bắt đầu từ tháng 3, mạnh nhất vào tháng 4 thời tiết khô hanh 

Qua mỗi đợt gió, bụi cuốn theo bay tung trời, hai bên đường cây cối bụi bám đầy, trắng xóa. Nhìn bề mặt hiện hữu, mùa gió Lào khốc liệt, khô cằn… nhưng ẩn chứa sau đó là cả một quy luật của tự nhiên. Khi hết ngày gió Lào thổi, trời sẽ lại cho mưa về. Những cơn mưa rừng đột ngột làm dịu đi cái nóng khô hanh, rửa sạch cây lá, tưới ẩm đất trồng… Khi ấy, đồng bào lại tra ngô, trỉa hạt, gửi tương lai của mình vào đất. Năm nào mưa thuận gió hòa đồng bào sẽ lại ấm no.

Phải chăng, sự khắc nghiệt của thiên nhiên ấy, trong nghịch cảnh ấy đã làm cho đồng bào có niềm tin vào quy luật của đất trời, niềm tin của sự tảo tần siêng năng lao động. Dẫu thiên nhiên không ưu ái con người thì chỉ cần có niềm tin hăng say lao động, dẫu gian khổ nào thì cũng vượt qua thôi.

Trần Hương