Điện Biên: Nhiều ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 09:08, 13/04/2023
Thu nhận hơn 1.000 ý kiến
Thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Điện Biên đã ghi nhận và tổng hợp được hơn 1.000 ý kiến. Các vấn đề được người dân quan tâm như: Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất cụ thể; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai…
Nhiều ý kiến, kiến nghị xem xét sửa đổi xuất phát từ những vướng mắc tại cơ sở khi Điện Biên thực hiện một số công trình trọng điểm liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai của người dân để thực hiện dự án.
Ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Trong quá trình triển khai chính sách, pháp luật về đất đai theo Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều đổi mới, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Từ những kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, công tác quản lý và sử dụng đất, chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, chồng chéo, nhiều bất cập ảnh hưởng đến cuộc sống và quyền lợi của người dân, cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của hầu hết các địa phương, trong đó có Điện Biên.
Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều nội dung được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, các vấn đề đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai; việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai cũng được quan tâm.
Vì vậy, việc lấy ý kiến nhân dân về các nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề quan trọng, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất đai rất cần thiết, qua đó, sẽ góp phần bảo đảm được tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai; hoàn thiện cơ chế, chế tài ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai; khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng đất đai.
Kiến nghị nhiều nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Công tác quản lý, quy hoạch đất đai là căn cứ để giải quyết các yêu cầu về đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn đối với việc quy hoạch đất đai cơ sở để quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Chính vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này nhận được nhiều quan tâm của người dân trong tỉnh Điện Biên.
Đóng góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai (sửa đổi). Trước hết, về vấn đề công bố quy hoạch, tỉnh Điện Biên đề nghị xem xét quy định thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện là 30 ngày kể từ ngày công khai thông tin về nội dung lấy ý kiến, gộp thành 1 ý.
Đối với thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Điện Biên đề nghị xem xét thống nhất giữa quy định của Luật Đất đai và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân huyện trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Hiện đang có sự chồng chéo, chưa thống nhất; Đối với tên gọi chính quyền cấp cơ sở như: xã, phường, thị trấn gọi chung là cấp “xã”, từ chỉ chung cho đơn vị hành chính cấp dưới quận, huyện… để đảm bảo thống nhất với các điều, khoản khác.
Cùng với đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các hình thức công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhân dân.
Đồng thời, Điện Biên đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định việc thông tin đến người sử dụng đất trong trường hợp hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm.