Khoanh vùng quản lý phòng ngừa sự cố ô nhiễm môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 11:07, 12/04/2023
70-80% các vấn đề môi trường được khoanh vùng, giám sát
Trước phản ánh và kiến nghị của cử tri về việc Bộ TN&MT và các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo về môi trường, Bộ TN&MT khẳng định, thời gian qua, Chính phủ, Bộ TN&MT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường.
Trước tiên phải kể đến là việc hoàn thiện chính sách pháp luật. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản dưới luật với nhiều quy định đổi mới, mang tính đột phá đã và đang góp phần tích cực trong nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường.
Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế - xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ môi trường; tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Đến nay, 20-30% cơ sở có nguồn thải lớn (gây ra khoảng 70-80% các vấn đề môi trường) được tập trung quản lý, khoanh vùng, áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự cố, giám sát chặt chẽ việc xả thải.
Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp giám sát trong quá trình thử nghiệm và vận hành kết nối trực tuyến với hệ thống giám sát của Sở TN&MT không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện tại, cả Trung ương và địa phương đã đầu tư lắp đặt 1.234 trạm quan trắc nguồn thải có kết nối số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Huy động tổng lực lượng tham gia bảo vệ môi trường
Theo Bộ TN&MT, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy hiệu quả của các giải pháp nêu trên, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thiết lập và triển khai có hiệu quả cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực, rộng sự tham gia của các tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường. Bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường vai trò điều phối, phân bổ chi ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường tại các nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các quy định mới. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình truyền thông theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường.