Quảng Ngãi: Làm ruộng trên đồi, giảm phá rừng làm rẫy
Xã hội - Ngày đăng : 08:35, 28/08/2015
Ở huyện Sơn Tây, từ khi triển khai thực hiện Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ khai hoang ruộng lúa nước từ nguồn vốn này. Mỗi héc-ta ruộng khai hoang, người dân được hỗ trợ 10 - 15 triệu đồng. Sau 6 năm đẩy mạnh chính sách hỗ trợ khai hoang ruộng lúa nước, hầu hết các xã trong huyện Sơn Tây đều tăng diện tích ruộng bậc thang. Điển hình là anh Đinh Văn Đơn - thôn Đắk Trên, xã Sơn Dung (Sơn Tây) đã khai hoang được 2 sào ruộng bậc thang cách đây gần hai tháng. Cây lúa nước đầu tiên được cấy trong từng khoảnh ruộng của vợ chồng anh Đơn sắp vào thì con gái. Anh Đơn cho biết: Giờ có ruộng rồi thì không phải đi phá rừng để trồng lúa rẫy nữa”. Quanh sườn đồi này, còn có hộ anh Đinh Văn Bù, Đinh Văn Đùng, Đinh Văn Tái cùng thôn Đắk Trên cũng khai hoang được ruộng bậc thang.
Xã Sơn Dung là xã có diện tích khai hoang lớn nhất gần 10 hécta ở hai cánh đồng là Bà Cầu và Ra Lăng. Xã Sơn Lập xa nhất huyện, người dân cũng khai hoang được 4 hécta. Các xã Sơn Mùa, Sơn Tân, Sơn Tinh, Sơn Long... dù diện tích khai hoang không tập trung nhưng tính chung mỗi xã cũng khai hoang được khoảng 1 héc- ta/năm. Ông Nguyễn Văn Chuyển - Phó phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tây cho rằng, diện tích có khả năng khai hoang làm ruộng bậc thang của Sơn Tây còn nhiều nhưng còn phụ thuộc vào nguồn nước dẫn về ruộng. Phải khảo sát kỹ, nơi nào có nước thì mới khai hoang làm ruộng, tránh tình trạng khai hoang rồi lại bỏ hoang.
Tại huyện Tây Trà - địa phương có diện tích ruộng lúa nước ít nhất tỉnh do điều kiện thiên nhiên không thuận lợi. Thế nhưng bằng sự nỗ lực của chính quyền và người dân, Tây Trà đã mở rộng dần diện tích ruộng lúa nước nhờ chủ trương đẩy mạnh khai hoang ruộng bậc thang.
Tại xã Trà Thanh - địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, những năm trước, người dân Trà Thanh chỉ quen với phát rẫy trồng lúa, nhưng mấy năm gần đây được sự động viên của xã, người dân đã tận dụng con suối Cà Nhút gần đấy, khai hoang, đưa vào cấy sạ lúa nước. 4 năm nay, cánh đồng này sản xuất mỗi năm 2 vụ, năng suất đạt gần 40 tạ/hécta, cao gấp 5 lần so với lúa rẫy.
Về vùng cao Ba Lế (Ba Tơ), những cánh đồng bậc thang uốn quanh sườn đồi thoai thoải đã để lại nhiều dấu ấn đẹp về sự đổi mới này. Nhà có ruộng lúa nước thừa gạo ăn đã thúc đẩy nhà kia cũng cố làm theo để có gạo. Việc sản xuất lúa nước trên non đã ngày càng bền vững hơn nhờ vào khai hoang ruộng bậc thang.