Nam Định: Hỗ trợ nông dân giảm nghèo bền vững

Xã hội - Ngày đăng : 10:01, 11/04/2023

(TN&MT) - Thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho các địa phương trong tỉnh, đạt được hiệu quả tích cực.

mot-so-thanh-tuu-co-ban-trong-xay-dung-nong-thong-moi-nang-cao-nong-thon-moi-kieu-mau-o-nam-dinh-150143_481.jpeg
Phát triển nông nghiệp hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững

Cụ thể, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã hỗ trợ các địa phương còn có hộ nghèo phát triển giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, công cụ, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi (tùy theo tính chất, đề xuất của các hộ tham gia dự án). Đồng thời, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ dân tham gia  với tỷ lệ: 6/10 huyện, thành phố (huyện Xuân Trường; Hải Hậu; Trực Ninh; Nam Trực; Giao Thủy; Vụ Bản) và 488 hộ tham gia ( trong đó hộ cận nghèo là 379 hộ, hộ nghèo 98 hộ). Cơ cấu vốn dự án được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng, đạt 61,2% so với nguồn vốn sự nghiệp được cấp.

Tuy nhiên, do là năm đầu triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nên quá trình xây dựng dự án, nhất là việc rà soát, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện tham gia phù hợp với khả năng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn chưa đảm bảo được đúng tiến độ thực hiện; việc tìm kiếm, lựa chọn đơn vị tư vấn và xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa nhà thầu để làm cơ sở tổ chức đấu thầu các gói thầu mua sắm hàng hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cũng như việc thanh quyết toán kinh phí đảm bảo ngân sách và định mức hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân…

Do đó, để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Tiểu dự án 1 và Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Nam Định đã đưa ra một số giải pháp cần thực hiện trong năm 2023, đó là: Đối với chính quyền các cấp cơ sở và địa phương cần phải thực hiện phân bổ vốn sự nghiệp ngay từ những tháng đầu năm để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án;

Hàng năm, tiếp tục tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về phương thức tổ chức quản lý, xây dựng, thực hiện các nội dung chương trình cho đội ngũ cán bộ quản lý, thực hiện chương trình, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng thời xây dựng, ban hành cơ chế quản lý, điều phối thực hiện chương trình giữa các Sở, ngành và địa phương để nâng cao công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, qua đó phát hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những tồn tại, vướng mắc phát sinh.

Đồng thời, tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng các phương án, triển khai đồng bộ các kế hoạch tuyên truyền thông tin về cơ chế, chính sách của chương trình và mức hỗ trợ tới đối tượng thụ hưởng phải phù hợp với tình hình thực tế và hoàn cảnh của người dân để đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng xây dựng, triển khai thực hiện các dự án theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, để kế hoạch phát triển Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2023 đạt hiệu quả với mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tăng thu nhập cho người dân, cần thông qua việc hỗ trợ vật tư, huy động, vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo; phân công giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; xây dựng các mô hình, tổ nhóm làm kinh tế giỏi, thu hút lao động vào làm việc; vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ưu tiên tiếp nhận con em hộ nghèo vào làm việc; tập huấn kỹ thuật cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ưu tiên cho các huyện, xã có tỷ lệ nghèo, cận nghèo cao và khó khăn về kỹ thuật, lựa chọn các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm phù hợp với điều kiện của từng địa phương với quy mô trung bình từ 25 – 50 người/ dự án cùng tổng mức vốn hỗ trợ cho phát triển lĩnh vực nông nghiệp năm 2023 dự tính là 4 tỷ đồng, được phân chia phù hợp với 10 – 15 dự án trong kế hoạch triển khai, tổng số hộ tham gia từ 300 - 500 hộ đối với các dự án chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, vắc xin, cải tạo chuồng trại và các dự án trồng trọt, hỗ trợ cây trồng, phân bón, thiết bị máy móc, nông cụ sản xuất, sơ chế, bảo quản thành phẩm sau thu hoạch,….

Qua đó, cần xây dựng, triển khai giải pháp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của chương trình ngay từ khâu xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch; triển khai giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện chương trình.

Thuỵ Khanh