Cần Thơ: Nhiều ý kiến tâm huyết với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) - Ngày đăng : 17:18, 10/04/2023

(TN&MT) - Thời gian qua, TP. Cần Thơ đã tập trung tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Để hiểu rõ hơn về công tác triển khai, hình thức tổ chức cũng như kết quả lấy ý kiến Nhân dân, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ.
a1.-ong-thao-gs-so-can-th0.jpg
Ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ

PV: Xin ông cho biết một số kết quả quan trọng trong công tác triển khai lấy ý kiến Nhân dân TP. Cần Thơ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua?

Ông Đỗ Thanh Thảo:

Triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và theo Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngay từ đầu năm 2023, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố.

Căn cứ vào Kế hoạch của UBND thành phố, các cấp, các ngành đã khẩn trương xây dựng chương trình và triển khai lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với những nội dung trọng tâm, trọng điểm và phù hợp từng đối tượng lấy ý kiến. Đồng thời, TP. Cần Thơ cũng đẩy mạnh tuyên truyền việc lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tích cực tham gia góp ý.

Để nâng cao hiệu quả trong việc tiếp nhận các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TP. Cần Thơ cũng đã triển khai nhiều hình thức góp ý trực tiếp bằng bản giấy, thư điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử TP. Cần Thơ hoặc Cổng thông tin điện tử Sở TN&MT đối với tất cả các đối tượng lấy ý kiến. Đồng thời, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến ở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Sau thời gian triển khai, các cơ quan, đơn vị của TP. Cần Thơ đã tổ chức 700 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thông qua các hình thức lấy ý kiến, TP. Cần Thơ đã tiếp nhận tổng cộng 1.846 ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, phần lớn các ý kiến đóng góp tập trung vào những quy định sát với cuộc sống Nhân dân như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đăng ký đất đai… Đến nay, Sở TN&MT đã hoàn thành dự thảo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và trình UBND TP. Cần Thơ báo cáo Bộ TN&MT theo đúng thời gian quy định.

a2.-hoi-nghi-lay-y-kien.jpg
Thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, Nhân dân Cần Thơ đã đóng góp nhiều ý kiến góp ý tâm huyết đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)


PV: Thông qua các hình thức tổ chức lấy ý kiến, Nhân dân TP. Cần Thơ đã đánh giá như thế nào về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Thảo:

Tại các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nhiều ý kiến của Nhân dân TP. Cần Thơ đồng tình với những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) trồng lúa; hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ trồng lúa; đã bổ sung quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá QSDĐ.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định cụ thể trường hợp công nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về QSDĐ; bổ sung quy định dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai và quy định đối với trường hợp phân chia QSDĐ theo bản án hoặc quyết định của Tòa án mà việc phân chia không đảm bảo các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa, trừ trường hợp thực hiện hợp thửa với thửa đất liền kề...

Có thể nói, với những điểm mới theo quy định này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tạo nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ phát triển.

a3.-can-tho-phat-trien.jpg
Những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tạo nguồn lực giúp TP. Cần Thơ phát triển

PV: Vậy với những quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà Nhân dân đề xuất sửa đổi, bổ sung, làm rõ..., quan điểm của TP. Cần Thơ như thế nào?

Ông Đỗ Thanh Thảo:

Ngoài các ý kiến đồng tình, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung và làm rõ một số quy định liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Đơn cử, đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Nhân dân kiến nghị điều chỉnh thời kỳ lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại khoản 2 Điều 62 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là 05 năm theo kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, theo khoản 2 Điều 89 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Nhân dân kiến nghị cần có quy định cụ thể hơn nội dung này.

Từ định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Quyết định số 330/QÐ-UBND của UBND TP. Cần Thơ; trên cương vị là cơ quan tổng hợp, tham mưu, Sở TN&MT đã tổng hợp, báo cáo UBND TP. Cần Thơ gửi Bộ TN&MT, đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Quan điểm của TP. Cần Thơ là tôn trọng toàn bộ ý kiến của Nhân dân và các tổ chức, cá nhân trên cơ sở thực hiện quan điểm chủ trương của Đảng mà trực tiếp, cụ thể là Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm đáp ứng cao nhất mục tiêu “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” như Nghị quyết đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hùng (thực hiện)