Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Phải đảm bảo chất lượng, khả thi khi có hiệu lực thi hành

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 21:57, 07/04/2023

(TN&MT) - Sáng 07/4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

ĐBQH đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến nhân dân của dự thảo Luật

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến nhân dân của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua.

Nhấn mạnh nội dung về phương pháp xác định giá đất là vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua, Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) giao Chính phủ quy định chi tiết do đó, để đảm bảo tính khả thi và có hiệu lực cao, đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ trong dự thảo Luật các phương pháp định giá và các trường hợp áp cụ thể…

pho-thu-tuong-chinh-phu-bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-tran-hong-ha-bao-cao-lam-ro-mot-so-van-de-dai-bieu-quoc-hoi-quan-tam.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Quan tâm đến vấn đề tài chính, giá đất, Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tại Chương XI về tài chính đất đai, giá đất dù đây là vấn để khó, phức tạp để có thể xác định giá đất sát với giá thị trường. Đại biểu bày tỏ cơ bản đồng tình với các nguyên tắc xác định trong luật song vẫn còn có những băn khoăn.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 3 thì khó có thể sắc chính xác đảm bảo nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.

Thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường có sự chênh lệch bằng hoặc là thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định giá đất quy định tại khoản 4 Điều 150. Đây cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.

Băn khăn về các tiêu chí bồi thường, hỗ trợ, tài định cư

Đánh giá dự thảo Luật lần này có nhiều bổ sung mới hợp lý, tiếp thu nhiều ý kiến tham gia của nhân dân, Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng bày tỏ đồng tình với quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cũng quy định rõ, khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho nhiều dự án.

Để chủ trương trên thực sự hiệu quả khi đi vào cuộc sống, hạn chế thấp nhất việc phát sinh những khó khăn, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể khác đảm bảo định lượng rõ hơn yếu tố “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi bồi thường thu hồi đất.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, Điều 86 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. Đại biểu cho rằng, để đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ dựa vào thu nhập, mà còn dựa trên nhiều tiêu chí, nên cần nghiên cứu rà soát để quy định một cách toàn diện.

pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-phat-bieu-ket-luan-noi-dung-thao-luan-ve-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-..jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Điều 91 trong dự thảo luật có quy định về việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, có 4 cách bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp, bao gồm bồi thường bằng đất nông nghiệp, hoặc bằng tiền, hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi, hoặc bằng nhà ở. Đại biểu cho rằng cần giải trình rõ lý do bồi thường đất nông nghiệp bằng nhà ở.

Sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật

Làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, tại hội nghị, các đại biểu đã cho các ý kiến toàn diện sâu sắc, thể hiện nghiên cứu kĩ lưỡng dự thảo mới nhất và từ thực tiễn các đại biểu đã nhiều đề xuất xác đáng. “Đây là những đóng góp quan trọng cho Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội. Từng vấn đề đại biểu Quốc hội góp ý sẽ có giải trình đầy đủ”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, có trên 50% vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập là về tài chính đất và định giá đất. Nhấn mạnh vấn đề này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nếu giải quyết được vấn đề này thì các vấn đề khác cũng được giải quyết từ tranh chấp về đất đai, khiếu nại tố cáo…Do đó từ các Luật Đất đai trong suốt thời gian qua từ 1993 đến nay, các cơ quan kiên trì tìm bài toàn giải quyết tài chính đất đai, vấn đề giá thị trường. Mục tiêu đặt ra là phù hợp với giá thị trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với 4 phương pháp tính hiện nay cũng chưa bao giờ có giá chính xác. Nguyên nhân là do thông số đầu vào không chính xác. Lần này dự thảo Luật xác định không tuyệt đối nhưng bảo đảm cơ sở khoa học, thu thấp giá đúng. Để làm được điều này người dân cần giao dịch đất đai trên sàn, có đăng kí với văn phòng với giá đúng. Trên cơ sở thu thập đầu vào đúng từ sàn giao dịch, cơ sở dữ liệu đất đai, người dân đăng kí thực hiện chuyển quyền đăng kí ở văn phòng để có dữ liệu, và có phương pháp tính đúng từ thông tin trên bản đồ, tiến hành tính toán và đưa ra giá trị chuẩn.

Đối với đất đai cho đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, Phó Thủ tướng Chính phủ tán thành với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chú trọng đồng bào ở vùng khó khăn những người sinh kế phụ thuộc vào đất rừng, kể cả người Kinh ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biết khó khăn…để từ đó xác định bao phủ chính sách cho đúng đối tượng. Về đất nông lâm trường, thời gian tới Nhà nước sẽ thu hồi những nông lâm trường làm ăn không hiệu quả để giao trả cho địa phương từ đó có phân bổ cho đồng bào.

Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tâm đắc với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về điều tiết địa tô. Theo đó, Phó thủ tướng cho rằng, vấn đề điều tiết địa tô, Nhà nước cần có chính sách để hài hòa, vừa thu được địa tô vừa điều tiết cho người dân đã giữ đất, phát triển đất, lợi ích cộng đồng… Mặt khác, về nội dung chính sách cụ thể cũng cần được nghiên cứu làm rõ hơn về tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thì cho người dân tại chỗ, bao nhiêu phần trăm để đưa vào ngân sách nhà nước để điều tiết cho những khu vực mà các dự án đầu tư công ích khác…liên quan nhiều đến các luật về ngân sách, luật thuế.

Một vấn đề khác được Nhân dân quan tâm là thu hồi đất đai, đền bù đất đai, hỗ trợ tái định cư. Tiếp thu các ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết Ban soạn thảo cố gắng để lượng hóa được nội dung người dân bị thu hồi đất gồm cả đất sản xuất, đất ở có điều kiện sống gồm cả điều kiện ở và điều kiện sản xuất, có sinh kế phải đáp ứng được ít nhất bằng trước đây. Ban soạn thảo quan niệm đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…chính là những điều kiện sống tốt hơn. Về chỗ ở có diện tích lớn hơn.

Dẫn chứng các mô hình triển khai bố trí tái định cư hiệu quả, người dân phấn khởi hưởng ứng như tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Đồng Nai… Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết cơ quan soạn thảo cố gắng nghiên cứu để đưa các mô hình này vào trong dự thảo luật. Điều quan trọng nhất là khi đưa ra kế hoạch về sử dụng đất cấp huyện phải đưa ra được kế hoạch về khu tái định cư hay trong quy hoạch về đô thị và dân cư phải xác định khu tái định cư nằm ở đâu. Đồng thời làm rõ, khu tái định cư chính là một khu đô thị trong đó có thực hiện nhiệm vụ cho những người tái định cư, có thể bố trí xen kẽ khu dân cư ngay tại đô thị đó hoặc có thể tạo ra một khu đô thị mới sử dụng luôn hạ tầng và các điều kiện ở đó. Bên cạnh đó, trong luật cũng tính đến những điều kiện về hạ tầng, khoảng cách, có rất nhiều lựa chọn cho người có đất bị thu hồi không bị thiệt thòi.

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định quan điểm là phải tạo các điều kiện tốt hơn cho người dân. Trong từng dự án phát triển nếu là dự án thương mại, nhà ở thì phải tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận nhà. Các dự án thu hồi đất đều phải có dự án tái định cư được quy hoạch trước, được bố trí để xây dựng hạ tầng, được bố trí để người dân lựa chọn mô hình nhà cửa của mình, kèm theo đó có một bản kế hoạch về đền bù, hỗ trợ. Cùng với đó tính toán trong trường hợp có quỹ để sử dụng cho những người không có điều kiện để sản xuất, sinh kế để có bảo trợ.

Mong muốn các tổ chức, cá nhân tiếp tục tham gia ý kiến để hoàn thiện Luật

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nội dung khó, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi luật đã nhận được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp Nhân dân. Quy định của Luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và quyền lợi ích của người dân.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc đã có 29 đại biểu Quốc hội phát biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định nhiều quan điểm, cách làm mới vì lợi ích của Nhân dân và doanh nghiệp sau khi được Quốc hội thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

3(3).jpg
Quang cảnh Hội nghị

Các ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, việc quản lý sử dụng đất, nhất là 8 nhóm vấn đề trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết 18 -NQ/TW như: vấn đề hoàn thiện các quy hoạch, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chế độ sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án sử dụng đất và những vấn đề liên quan đến cơ chế xác định giá đất, cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, cơ chế, chính sách quản lý sử dụng đất nông nghiệp, quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, các vấn đề liên quan đến đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất lấn biển, những vấn đề liên quan đến sở hữu nhà của người nước ngoài và vấn đề đất cho các vấn đề liên quan đến các dự án di tích lịch sử, du lịch hỗn hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, qua thảo luận có nhiều ý kiến cụ thể và xác đáng cần nghiên cứu và tiếp thu, nội dung góp ý đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ; đề nghị Tổng tổng hợp ý kiến thảo luận, báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, gửi đến các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật.

Đối với 10 nội dung có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, ưu, nhược điểm, tính phù hợp với đặc thù của Việt Nam đối với từng loại ý kiến, quan điểm, lựa chọn của Chính phủ để hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trình Quốc hội xem xét và thảo luận.

Cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội theo sự phân công tiếp tục hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến tham gia dự án luật thực chất, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo định hướng các nội dung dự kiến tiếp thu hoặc giải trình để lấy ý kiến tham gia cụ thể vào các điều, khoản trong dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật…

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng cảm ơn các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, truyền thông, báo chí đã quan tâm trách nhiệm đầu tư thời gian, công sức đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho dự án Luật Đất đai (sửa đổ); đồng thời mong muốn Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan nghiên cứu khoa học, các chuyên gia, các nhà khoa học, truyền thông, báo chí tiếp tục tham gia ý kiến để hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo chất lượng, khả thi của Luật khi có hiệu lực thi hành", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Thúy Nhi