Đầm Hà (Quảng Ninh): Chung tay vì người nghèo.

Xã hội - Ngày đăng : 11:24, 07/04/2023

(TN&MT) - Huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, huy động cả hệ thống chính trị cùng chung tay giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ DTTS có nguồn lực để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huy động sức mạnh tập thể

Với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con DTTS ở những xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, huyện Đầm Hà đã có những nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Đầm Hà đã tiến hành khảo sát, đánh giá một số hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã vùng sâu Quảng An, Quảng Lâm. Từ đó có những giải pháp hữu hiệu tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với các tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản giảm nghèo bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng và nhóm dân cư.

anh-dh-02.jpg

Người dân xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà vay vốn mở xưởng sản xuất gỗ, cho thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, cùng sự đồng hành hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận tham gia hưởng ứng của người dân và sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể xã hội những năm qua đã giúp cho huyện Đầm Hà đạt được kết quả ấn tượng. Các tổ chức này đã chủ động kết nối các tổ chức, các nhà hảo tâm giúp đỡ trực tiếp theo địa chỉ, nhất là việc hỗ trợ xây mới nhà ở, tặng con giống, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có nguồn lực để phát triển sản xuất vươn lên trong cuộc sống.

Trong đó, điển hình như MTTQ huyện Đầm Hà đã vận động doanh nghiệp, tổ chức thành viên được 2.451 suất quà trị giá 1,1 tỷ đồng. Tiếp nhận 100 triệu đồng từ MTTQ tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ cho 2 hộ nghèo tại thôn Nà Cáng, xã Quảng An xây dựng nhà ở. MTTQ cũng tiếp nhận 30 triệu đồng nguồn hỗ trợ của Cục thi hành án dân sự của tỉnh hỗ trợ mua trâu, bò giống cho 2 hộ nghèo ở thôn Nà Pá xã Quảng An.

Cùng với đó, trong năm 2022, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã trao tặng 825 suất quà trị giá hơn 450 triệu đồng cho hội viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ xây 5 nhà cho hội viên nghèo trị giá 170 triệu.

Hội LHPN huyện đã kết nối HTX Tuyền Hiền hỗ trợ 600 con gà giống trị giá 24 triệu đồng cho 5 hộ gia đình thương binh, liệt sỹ và 6 hộ nghèo tại xã Quảng Lâm để có nguồn lực chăn nuôi có thêm thu nhập.

Khơi dậy khát vọng thoát nghèo

Quảng Lâm là xã vùng cao của huyện Đầm Hà, trên 96% dân số là đồng bào DTTS. Đây là một xã khó khăn nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, địa phương đã có bước chuyển mình trong phát triển kinh tế- xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Ông Tằng Tắng Phùng, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm là một trong những hộ vừa thuộc diện thoát nghèo vào cuối năm 2022, chia sẻ: Cả gia đình có 5 nhân khẩu sống trong ngôi nhà chật hẹp, cũ nát, thu nhập chính từ việc đi rừng lấy lá cây chữa bệnh dạ dày, viêm họng, thoái hóa, đau xương khớp, nên cũng chỉ đủ ăn.

Nhờ có sự giúp đỡ của Ngân hàng Vietcombank TP.Móng Cái với số tiền 50 triệu đồng và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình ông đã xây được ngôi nhà mới vững chắc, ổn định cuộc sống, yên tâm tâm làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững- ông Phùng bộc bạch.

anh-dh-03.jpg
Mô hình liên kết chăn nuôi gà bản của HTX Tuyền Hiền, tại xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà giúp cho nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm cho biết, phát huy lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp lớn, địa phương khuyến khích bà con mạnh dạn vay vốn từ chương trình nông thôn mới và các nguồn vốn lồng ghép. Từ đó phát triển 6 mô hình, dự án nuôi cà sáy, nuôi lợn, gà, trâu, bò sinh sản, trồng gừng thu hút trên 800 hộ dân tham gia với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Đây là động lực quan trọng để người dân, nhất là bà con DTTS có ý thức chủ động, tự lực phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với những cách làm thiết thực, hiệu quả của huyện Đầm Hà đã giúp người dân có sự chuyển biến về nhận thức, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân trí, thay đổi phong tục tập quán sản xuất lạc hậu trong đời sống của đồng bào các dân tộc.

Nhờ vậy, đến hết năm 2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,16% tổng số hộ dân toàn huyện, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,13% tổng số hộ dân toàn huyện Đầm Hà.

Trao đổi với Phóng viên, ông Lưu Văn Nam, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Đầm Hà cho biết, để giữ vững kết quả đạt được, thời gian tới địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo và khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên của người nghèo, người cận nghèo. Đồng thời, tiếp tục rà soát để có giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, đa dạng hóa sinh kế mô hình, dự án giảm nghèo thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Những năm qua, huyện Đầm Hà phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ chính sách xã hội khác để có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tính đến hết năm 2022, đã có 5.498 hộ vay hơn 300 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây quế hồi, cho thu nhập ổn định, giúp cho bà con vùng DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phạm Hoạch