Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động trữ ngọt chống mặn

Xã hội - Ngày đăng : 23:18, 10/04/2017

(TN&MT) - Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chủ động đắp đập ngăn sông chống mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô 2017.

Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2017, mặc dù, xâm nhập mặn ít gay gắt hơn mùa khô năm 2015 - 2016 nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn cao nhất có khả năng lên đến 34,2g/l và xuất hiện vào tháng 2, tháng 3/2017. Chính vì vậy, ngay từ đầu mùa khô, các tỉnh Đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL) đã chủ động triển khai các phương án chống hạn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

2.jpg

Đm bo ngun nước tưới tiêu phục vụ sn xuất. Ảnh: MH

Tỉnh Kiên Giang có hơn 200 km bờ biển nên xác định vùng chịu ảnh hưởng hạn, mặn xâm nhập gồm: vùng sản xuất nông nghiệp ven biển Rạch Giá - Hà Tiên, ven sông Cái Lớn và Cái Bé, vùng U Minh Thượng; vùng đất rừng Vườn quốc gia Phú Quốc, Vườn quốc gia U Minh Thượng và các lâm phần rừng trồng. Không chỉ khu vực sản xuất mà nhiều khu vực trung tâm như: Thành phố Rạch Giá, huyện Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh... chỉ cách biển vài km, rất dễ bị mặn bủa vây.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, rút kinh nghiệm mùa khô 2015 - 2016, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ lúa hè thu 2017, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt, vận hành cửa cống mới sông Kiên, Kênh Cụt và hệ thống cống trên tuyến đê biển, đê bao Ô Môn - Xà No. Đồng thời, các địa phương tiếp tục giữ lại các đập tạm đã đắp trong mùa khô 2015 - 2016. Do vậy, hiện nay, đã có hơn 276 bờ đập được gia cố, đắp mới đế ngăn mặn, giữ ngọt với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đổng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình thời tiết, diễn biến mặn trên những tuyến kênh, sông chính để kịp thời thông báo tới địa phương và nhân dân chủ động ứng phó, sản xuất. Địa phương cũng phối hợp với tỉnh An Giang thống nhất lịch lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đảm bảo tạo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, lịch xuống giống vụ lúa hè thu 2017 được xây dựng phù hợp với đặc điểm nguồn nước của từng vùng, tiểu vùng sản xuất để phòng thiếu nước và xâm nhập mặn.

1.jpg

Đp đập ngăn sông chống mặn. nh: MH

Đối với đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng khoan một số giếng công suất 10 - 20 m3/giờ ở một số khu vực để tạo thêm nguồn nước bổ sung cho các trạm cấp nước đang hoạt động nhưng thiếu nguồn nước khai thác; kéo dài tuyến ống từ trạm cấp nước đến khu vực dân cư sinh sống bị ảnh hưởng hạn mặn; duy tu, sửa chữa trạm cấp nước xuống cấp, hư hỏng và xây dựng mới một số trạm khác trong vùng ảnh hưởng... Đồng thời, địa phương chuẩn bị phương án, kế hoạch cấp nước, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, nhất là khu vực khó khăn, vùng không có tuyến ống nước, giao thông không thuận tiện. Phương tiện vận chuyển nước từ đất liền ra các đảo có cư dân sinh sống được chuẩn bị phòng khi giếng khoan, hồ chứa cạn kiệt, nhất là giai đoạn cao điểm mùa khô.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu, qua ghi nhận, từ đầu tháng 2 đến nay, thời tiết nắng nóng trên địa bàn đang tăng dần, kèm theo gió mạnh, triều cường lên cao, nước mặn đang lấn sâu vào vùng ngọt phía Bắc quốc lộ 1A. Hiện, độ mặn tại tuyến kênh xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân) đã vượt 1 phần nghìn; mực nước trên các tuyến kênh của 2 huyện Phước Long và Hồng Dân đang dâng cao, dao động từ 0,35m - 0,50m.

Trước diễn biến trên, địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ hơn 40.000 ha lúa, hàng nghìn ha lúa thu đông (lúa Tài Nguyên) xuống giống trễ và hơn 1.000 ha rau, đậu thực phẩm đang sinh trưởng trên đồng. Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng vận hành nhịp nhàng hơn 100 cống đầu mối, phân ranh mặn - ngọt, cống Đông Nàng Rền... để có thể ngăn mặn kịp thời và trữ nước ngọt.

Còn riêng đối với vùng ngọt, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành đắp hơn 40 đập tạm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai để ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích lúa đông xuân, lúa - tôm.

PV