Quản lý tài nguyên nước bền vững từ quy hoạch các lưu vực sông - “Chìa khóa” bảo vệ nguồn nước bền vững
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:29, 06/04/2023
Phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết quy hoạch các lưu vực sông được xây dựng dựa trên căn cứ nào? Kế hoạch triển khai được thực hiện ra sao?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Có thể nói, các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông được xây dựng dựa trên bộ khung pháp lý hướng dẫn thực hiện khá đầy đủ và toàn diện. Từ chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, các Bộ luật chuyên ngành và hệ thống các văn bản dưới Luật chính là cơ sở, căn cứ quan trọng và vững chắc cho việc lập các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn việc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.
Về kế hoạch triển khai thực hiện, Việt Nam có 13 sông là dòng chính các lưu vực sông lớn cần được xem xét, phân tính, đánh giá và xây dựng các giải pháp trong các bản quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Đến nay, đã có 5/13 lưu vực sông lớn, sông liên tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch gồm: lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, lưu vực sông Sê San, lưu vực sông Srepok, lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang tổ chức thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đối với các sông Mã, sông Hương, sông Đồng Nai và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023.
Ngoài ra, đối với các lưu vực sông còn lại, Bộ TN&MT đã lên kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện và dự kiến đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ quy hoạch tổng hợp trên 13 lưu vực sông liên tỉnh, sông lớn.
PV: Thưa ông, các quy hoạch lưu vực sông khi được hoàn thiện và phê duyệt ban hành sẽ góp phần ra sao trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội? Đối với miền Trung, Tây nguyên, Quy hoạch lưu vực sông sẽ góp phần chống khô hạn và điều tiết nước ra sao? Và nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch sẽ có tác động thế nào để hạn chế xâm nhập mặn?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông là “chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên này. Quy hoạch nhằm dự báo, nhận định xu thế diễn biến tài nguyên nước mặt theo lưu vực sông cho các thời kỳ, giai đoạn 2025, 2030, 2050 và có xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu, nhận định, dự báo xu thế diễn biến mực nước dưới đất trên các lưu vực sông. Đặc biệt, Quy hoạch đã tính toán, phân tích, nhận định, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu nước của tất cả các lĩnh vực và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông theo các mức bảo đảm khác nhau cho từng giai đoạn của quy hoạch.
Cùng với đó, Quy hoạch đã xác định thứ tự ưu tiên, xác định các vấn đề chính của các lưu vực sông cần phải giải quyết khi thực hiện xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Quy hoạch là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương lấy làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh chương trình, mục tiêu phát triển, cũng như các quy hoạch có hoạt động liên quan đến việc quản lý, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, hội nhập khu vực và quốc tế.
Đối với miền Trung, Tây nguyên, Quy hoạch lưu vực sông sẽ góp phần quan trọng giúp phòng, chống khô hạn và điều tiết nước. Trong đó, với việc đưa ra các trường hợp về quản lý điều hòa lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên toàn lưu vực ứng với các mức bảo đảm khác nhau để đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nước. Đặc biệt có xét đến trong trường hợp xảy ra thiếu nước để có các biện pháp điều hòa, phân bổ nguồn nước hài hòa giữa các đối tượng khai thác, sử dụng, giữa các vùng, khu vực trên lưu vực sông. Cùng với đó, việc đề xuất bổ sung các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước trong quy hoạch gồm các hồ chứa thủy lợi, các công trình thủy điện, các công trình khai thác nước dưới đất cũng góp phần giải quyết bài toán khô hạn, thiếu nước đối với khu vực miền Trung, Tây nguyên.
Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch lưu vực sông Cửu Long vừa được Chính phủ phê duyệt đã đưa ra các trường hợp phân bổ nguồn nước trong điều kiện bình thường và khi xảy ra thiếu nước nghiêm trọng. Trong đó, căn cứ hiện trạng nguồn nước, bản tin dự báo về tình hình khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, mức độ hạn hán, thiếu nước, lượng nước tích, trữ hiện có, nguồn nước dự phòng, khả năng khai thác nước dưới đất, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động quyết định việc sử dụng nguồn nước hiện có trên địa bàn tỉnh; hạn chế phân bổ nước cho các hoạt động sử dụng nước chưa cấp thiết, các đối tượng sử dụng nước lớn, hiệu quả sử dụng nước thấp để ưu tiên cho mục đích sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành sản xuất có hiệu quả kinh tế - xã hội cao tại các trung tâm đầu mối và các hành lang phát triển kinh tế theo tỷ lệ phù hợp, đặc biệt tại các vùng thường xuyên khan hiếm nước ngọt thuộc các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Đến 2025, Việt Nam sẽ hoàn thiện quy hoạch tất cả lưu vực sông. Nếu thực hiện đúng như các giải pháp trong quy hoạch đã đề ra thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ cơ bản kiểm soát 90% hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước trong hệ thống công trình thủy lợi. Tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch sinh hoạt lên 95 - 100%, ở nông thôn là 65%. 90% nguồn nước được kiểm soát, giảm mức thất thoát nước xuống dưới 10%.
PV: Ông dự báo tổng thể bức tranh tài nguyên nước lưu vực sông sẽ ra sao trong tương lai, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Với sự phát triển vượt bậc của kinh tế - xã hội trong những năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng nước của các ngành ngày càng lớn. Theo dự báo tổng nhu cầu nước năm 2025 khoảng 120,4 tỷ m3, tăng 3% so với hiện tại; năm 2030 khoảng 121,5 tỷ m3, tăng 3,9% và năm 2050 là 130,9 tỷ m3, tăng xấp xỉ 12%.
Trong cơ cấu sử dụng nước, các ngành kinh tế, nông nghiệp (tưới) vẫn có nhu cầu nước nhiều nhất, chiếm 73% ở hiện tại và có xu thế giảm xuống 68% vào năm 2030 và 63% năm 2050. Ngành sinh hoạt, công nghiệp và du lịch, dịch vụ có xu hướng tăng tỷ lệ dùng nước nhanh nhất. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên nước để đảm bảo an ninh tài nguyên nước, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay là vô cùng cấp thiết.
Theo tôi, để tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp đặt ra trong quy hoạch, đòi hỏi không chỉ Bộ TN&MT mà các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt thật sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nội dung của các quy hoạch, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp đã đặt ra. Đây chính là tiền đề, cơ sở cho việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!