Nghị lực và chữ "tình" từ 34 lá đơn “thoát nghèo”

Xã hội - Ngày đăng : 10:21, 05/04/2023

Cũng như hoàn cảnh “đẩy” họ rơi vào cảnh nghèo khó, cách mà các hộ dân vượt lên “thoát nghèo” không ai giống ai. Thế nhưng, chung quy lại đều là sự nỗ lực vươn lên, không đầu hàng số phận. Và, sự nỗ lực, mồ hôi, công sức của họ đã được đền đáp rất xứng đáng…

“Có tiền gửi ngân hàng thì thoát nghèo rồi chứ sao?”

Từ TP Vinh, tôi vượt hơn 200km với tâm thế rất háo hức đi lên huyện biên giới Quế Phong (tỉnh Nghệ An) bởi không thể chần chừ trước những câu chuyện hết sức cảm động, ý nghĩa của 34 hộ dân đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo ở địa phương này. Mỗi nhà một hoàn cảnh, có nhà nghèo “truyền kiếp” đến mấy đời nay, lại có nhà do bạo bệnh mà khuynh gia bại sản…Điểm chung nhất của họ là từng ngày vươn lên, thoát cái “danh” nghèo, để nhường cho những gia đình còn nghèo hơn mình có cơ hội được hỗ trợ, để cùng vươn lên.

Cụ ông Sầm Văn Phương và bà Phan Thị Minh ở bản Hiệp Phong, xã Thông Thụ ngồi giữa gian khách nhà sàn đã rót nước chờ khách tự bao giờ. Sau một hồi chào hỏi, cười nói rất vui vẻ, chúng tôi bắt đầu hỏi han câu chuyện của hai ông bà.

vc-cu-phuong.jpg
Vợ chồng cụ Sầm Văn Phương và bà Phan Thị Minh ở bản Hiệp Phong, xã Thông Thụ: Có tiền gửi ngân hàng thì thoát nghèo rồi chứ sao?

Sau một hồi tâm sự, tôi mới hay họ yêu nhau đến mức không chỉ vượt trăm suối nghìn khe mà vượt qua cả sự ngăn cản của gia đình. Ông Phương là bộ đội, đóng quân ở xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, gần nhà bà Minh. Hai người phải lòng nhau, bà chấp nhận bỏ thành phố để theo ông về bản làng biên giới hẻo lánh và nghèo khổ này từ năm 1982.

- Ông bà làm gì để thoát nghèo, tôi hỏi?

Ông thành thật: Nhà ta được Nhà nước hỗ trợ một con bò. Rồi gom góp để có thêm trâu, một con trâu nó đẻ ra một con nghé... Từ ngày làm lúa nước thì gạo đủ ăn, rau cỏ có trong vườn. Tôi còn có thêm ao cá và một vườn quế trồng đã vài năm. Dần dần cuộc sống đỡ lên, nay thì thoát được cái nghèo rồi.

nha-cu-phuong.jpg
Ngôi nhà của cụ Phương.

Đoạn ông hóm hỉnh nói về việc bán trâu bò mà không ai nhịn được cười: Bây giờ có chủ trương không được thả rông trâu, bò nên ta phải bán đi, gửi ngân hàng nó nuôi cho, đến tháng nó đẻ tiền để sinh sống. “Đấy, mình có tiền gửi ngân hàng rồi thì thoát nghèo rồi chứ sao? Trong lúc nhiều nhà còn nghèo lắm, không có đủ ăn. Cho nên, xã có cho chế độ hộ cận nghèo, vợ chồng ta cũng không nhận nữa. Nhà ta thống nhất là thoát hẳn nghèo luôn, không có cận nghèo chi nữa cả”- Cụ Phương dứt lời, chúng tôi không ai bảo ai, cùng vỗ tay tán thưởng.

Còn câu chuyện của cụ Lô Văn Luận ở bản Chiếng, xã Hạnh Dịch khiến ai nghe cũng không khỏi đau lòng, xúc động. Không phải vì thương cụ nghèo, cũng chẳng phải ngưỡng mộ cụ đã vươn lên thoát nghèo, mà cảm động trước đức hi sinh cao cả của một người chồng, người cha.

ong-luan.jpg
Cụ Lô Văn Luận ở bản Chiếng, xã Hạnh Dịch đang kể về công cuộc "khởi nghiệp lại" với PV.

Hơn 70 tuổi rồi, nhưng cụ Luận còn tinh anh lắm. Cụ kể: Trước, nhà tôi thuộc loại khá giả của xã này; có 18 con bò, 7 con trâu và ruộng thì nhiều lắm, mỗi mùa thu hoạch chừng 3 tấn lúa, cuộc sống luôn dư giả. Năm 2017, bà nhà tôi đổ bệnh. Đi khám thì họ kết luận bị ung thư. Bấy giờ mấy đứa con còn đi học đại học, nhất là thằng út vừa mới nhập trường. Nó đòi bỏ học để về chăm mẹ, giúp đỡ bố. Tôi tuyệt đối không đồng ý. Con phải có cái chữ, phải có kiến thức thì mới có tương lai.

Cứ mỗi tháng, vợ chồng tôi lại dắt díu nhau 20 ngày đi bệnh viện ung bướu dưới thành phố Vinh. Đã thế còn phải chu cấp tiền ăn học cho con. Công việc đồng áng, chăn nuôi phải gác lại. Đúng là miệng ăn núi lở, lúa cạn dần, trâu bò cũng phải bán hết. Vợ tôi qua đời cũng là lúc nhà tôi trắng tay. Thế là trở nên nghèo đói. “Nhưng mà cứ mang danh hộ nghèo mãi, rầy (xấu hổ) lắm” – cụ Luận, nói. Công cuộc “khởi nghiệp” lại bắt đầu với cụ, dẫu không thể có quy mô như xưa. Rồi con cái cũng học xong, đứa nào cũng có việc làm, lương tương đối được.

khen-2.jpg
khen-1.jpg
Những giấy khen, giấy chứng nhận thoát nghèo của những hộ gia đình tự nguyệ xin thoát nghèo ở huyện biên giới Quế Phong.

Cụ Luận nói trong niềm hân hoan: “Tôi thấy mình đã không còn nghèo nữa, thế là viết đơn tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Mình thoát nghèo thì có thêm gia đình khác được hỗ trợ, rồi họ lại thoát nghèo như tôi…”. Dứt câu chuyện, tôi hỏi thêm căn nhà 2 tầng đang xây đối diện nhà ông là của ai? Cụ Luận cười tươi: Của con trai tôi đấy, nó làm nhà ở riêng, còn nhà này tôi và thằng út ở!

“Dành cho những nhà còn nghèo hơn mình”

Nhà chị Sầm Thị Lan và anh Vi Văn Hào ở bản Hiệp phong, xã Thông Thụ. Anh Hào đi làm thợ mộc ở tận huyện Diễn Châu, nhà chỉ có chị Lan và mẹ chồng là cụ Cầm Thị Ổm. Ai cũng khen chị Lan là người con dâu hiếu thảo. Và trong câu chuyện của hai mẹ con, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của bà mẹ chồng đã gần 80 tuổi. Cụ nói, thương con Lan lắm, vì về làm dâu của cụ trong hoàn cảnh túng thiếu quanh năm, cả nhà ở chung một cái lều, gió lùa tứ phía. Thế mà nó không chê, làm lụng cả ngày chẳng kêu ca câu nào.

c-lan.jpg
Chị Sầm Thị Lan, ở bản Hiệp Phong, xã Thông Thụ tâm sự về quá trình thoát nghèo của gia đình.

Sau khi rót nước mời khách, chị Lan kể về nỗ lực của hai vợ chồng. Ban đầu được giao đất rừng mình cũng không biết làm gì ngoài việc chờ tiền công bảo vệ từ nhà nước. Rảnh rang thì ai thuê gì làm nấy, làm mãi, làm mãi mà vẫn không đủ ăn. Thế rồi, được hướng dẫn, được vay vốn, hai vợ chồng bắt đầu trồng keo, trồng dần, trồng dần, bây giờ nhà em có đến 10 ha keo. Bán được keo, dành một phần tiền để trồng thêm 3 ha quế, dù đang nhỏ nhưng mỗi lần tỉa cành cũng đã có thu nhập. Một phần tiền nữa thì đem đi mua trâu, rồi nó đẻ ra nghé, giờ tổng đàn là 5 con. Năm ngoái, vợ chồng em bàn với nhau xin ra khỏi diện hộ nghèo, vì mình đã thoát nghèo. “Mình được hỗ trợ nhiều rồi, đỡ nghèo rồi thì nên dành cho người khác còn nghèo hơn mình chứ” – chị Lan tâm tình.

ba-om.jpg
Cụ Cầm Thị Ổm (mẹ chống chị Lan) rất vui vì con cái biết thương yêu, bảo bản nhau, nhất là đã biết cách làm ăn, chia sẻ với người khác…

Nhìn con dâu rất âu yếm, cụ Ổm chỉ vào trong nhà: “Ta vui lắm, các con được huyện tặng giấy khen, thưởng 500 nghìn đồng, được nhà báo về viết bài. Nhưng vui hơn là chúng nó biết thương yêu, bảo bản nhau, nhất là đã biết cách làm ăn, chia sẻ với người khác…”.

Còn ông Lương Văn Trường ở bản Cọ Muồng, xã Châu Kim, thì trước đây hoàn cảnh rất éo le. Ba lần sinh nở không thành, ông bà trở nên chán nản, bi quan; việc làm ăn cũng vì thế là bê trễ, thế là nghèo triền miên. Rồi cao xanh cũng đoái thương hai người, ba lần sau, ông bà sinh được hai gái, một trai.

ong-truong.jpg
Ông Lương Văn Trường ở bản Cọ Muồng, xã Châu Kim đang trò chuyện cùng PV.

Có con, ông bà nỗ lực lam lũ, để trước nhất là nuôi con và nữa là cố gắng thoát nghèo. Ông kể, cứ dư ra được đồng nào là đi mua gà về nuôi. Bán được nhiều gà thì mua lợn; bán được lợn thì mua bò; bán được bò lại đi mua trâu…Rảnh rỗi, ông lại miệt mài đào ao để thả cá…Đến nay, nhà ông có đến 5 con trâu, 2 con bò, 2 ao cá, gần 1ha ruộng và một rừng keo.

Ông cười, khoe: “Năm nay sẽ có thêm mấy con trâu, bò nữa, nó đang chửa đấy”. Đoạn ông vỗ vào mấy cây cột nhà mà rằng, ta trải qua ba bận làm nhà mới có nhà để ở, vất vả lắm. Nay thoát được cái nghèo rồi thì mình xin ra thôi. Đấy, mấy nhà trong bản như ông Chung, bà Miện, cháu Tuyến…còn nghèo hơn ta ngày trước nhiều, phải để phần cho họ với chứ. Và ông vui lắm khi kể về đứa con trai út, dù bị tàn tật nhưng cháu vẫn cố gắng đi làm công nhân tận trong miền Nam, thỉnh thoảng có gửi cho ông đôi đồng.

a.jpg
Chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; trồng cây keo, cây quế...đang giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo ở huyện vùng biên Quế Phong.

“Nó gửi thì ta cất giữ cho nó thôi, tiêu tiền của con làm gì. Hôm trước ở lễ tuyên dương, ta khoe với cả huyện là sang năm sẽ dựng lại nhà mới, để thằng con nó cưới vợ cho đàng hoàng” – ông Trường tâm sự thật lòng.

Cuối chiều, chúng tôi chia tay Quế Phong trong tâm trạng nhẹ nhàng, phấn khởi. Người đồng hành trong suốt hành trình tìm đến những gia đình tự nguyện thoát nghèo ngày hôm đó, anh Lô Đình Vượng – Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Quế Phong, khoe rằng: “Huyện Quế Phong đợt này có 34 hộ dân ở hầu hết các xã viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Họ thoát nghèo là thoát nghèo thật như nhà báo đã thấy đó!”

Đình Tiệp