Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 18:20, 04/04/2023
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách trong công tác quản lý đất đai và sử dụng đất đai một cách đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
"Hội đồng Dân tộc nhận thức đây là dự án Luật hết sức quan trọng, có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS và miền núi. Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền các địa phương làm căn cứ xây dựng báo cáo tham gia thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình tại Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của đồng bào DTTS và miền núi" - ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay.
Tại Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo các tham luận đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Luật Đất đai (sửa đổi) với các nội dung chủ yếu liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, định giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất...
Tại Hội thảo, TS. Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị: Thời gian tới, cần xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 01 mục riêng quy định về "Đất đai đối với đồng bào DTTS" nhằm bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của đồng bào DTTS đối với vấn đề đất đai; đồng thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Trong đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần có quy định cụ thể về quyền bình đẳng được tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS; trách nhiệm về tài chính của Nhà nước trong thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS.
Cùng với đó, ông Lê Sơn Hải cũng đề nghị: Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, chỉnh lý khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật Đất đai theo hướng có chính sách giao đất, hỗ trợ về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bồi thường vật nuôi chưa bao quát được tất cả vật nuôi và mật độ cây trồng trong bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Do đó, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét bổ sung quy định chi tiết về nguyên tắc bồi thường cây trồng, vật nuôi, mật độ cây trồng làm cơ sở bồi thường cho người dân.
Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có quy định cụ thể về hình thức, phương án góp vốn để ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của từng thành viên trong cộng đồng DTTS; quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng ở địa phương trong hoạt động trợ giúp pháp lý về đất đai đối với đồng bào DTTS để tránh tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết để chiếm dụng quyền sử dụng đất, thâu tóm đất đai, nhất là đất sản xuất của đồng bào DTTS.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo còn đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có quy định cụ thể về quyền bình đẳng được tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS, nhất là đồng bào DTTS rất ít người; đồng thời, cần rà soát, quản lý chặt chẽ quy hoạch và hệ thống các công trình thủy điện, các công trình có sử dụng nhiều đất đai; có chính sách hỗ trợ kinh phí trong giao khoán bảo vệ rừng nhằm đảm bảo không gian sống của đồng bào DTTS, hạn chế tối đa tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất, phá rừng làm nương rẫy...