Cải thiện tình trạng ngập úng, ô nhiễm tại TP. Huế

Môi trường - Ngày đăng : 14:15, 04/04/2023

Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế đã góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, cải thiện mỹ quan đô thị, thu hút đầu tư, phát triển du lịch cho TP. Huế. Với vốn kết dư còn 1.400 tỷ đồng, dự án đang mở rộng quy mô đầu tư nhằm hoàn chỉnh và đồng bộ cơ sở hạ tầng thoát nước...

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế cho biết, nhằm cải thiện tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường của TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế được vay ưu đãi từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư thực hiện dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế với tổng số vốn 24.008 triệu Yên (khoảng 5.103 tỷ đồng). Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trên địa bàn 11 phường ở khu vực phía Nam của TP. Huế từ tháng 8/2015 và đã hoàn thành trong năm 2020.

z4231451490507_99314fa2c96c021e6a0014ef3af0d9f8.jpg

Nhà máy xử lý nước thải được xây dựng từ Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế

Quy mô đầu tư giai đoạn này bao gồm xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước thải hỗn hợp (cống bao, công chung, giếng tách) cùng với 7 trạm bơm để thu gom nước mưa, nước thải và đưa về Nhà máy xử lý nước thải (9,6 ha) được đầu tư xây dựng với công suất 30.000 m3/ngày để xử lý.

“Giai đoạn 1 của dự án đã thực hiện thành công, hoàn thành tất cả các mục tiêu ban đầu, góp phần xóa bỏ được tình trạng ngập úng cục bộ ở khu vực phía Nam TP. Huế, thu gom và xử lý lượng lớn nước thải sinh hoạt đáp ứng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Tuấn Anh cho hay.

Quá trình thực hiện, dự án đã tiết kiệm, kết dư được nguồn vốn rất lớn (khoảng 1.400 tỷ đồng). Để tăng hiệu quả đầu tư của dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ, Nhà tài trợ JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) đồng ý cho phép sử dụng nguồn vốn dư này để mở rộng quy mô đầu tư nhằm hoàn chỉnh và đồng bộ cơ sở hạ tầng thoát nước của khu vực.

Theo đó, quy mô dự án phần vốn dư bao gồm đầu tư mở rộng hệ thống thoát nước để tăng cường khả năng thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ một số khu vực chưa được đầu tư trong giai đoạn 1 (các phường Thủy Vân, Thủy Biều, Thủy Xuân và An Tây, một phần phạm vi khu đô thị mới An Vân Dương); bổ sung một số hạng mục cống chung trong phạm vi đã thực hiện nhằm tăng tỷ lệ đấu nối của người dân, phù hợp với công suất 30.000 m3/ngày của Nhà máy xử lý nước thải đã xây dựng; bổ sung kè bờ các sông/hói nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu ngập lụt...

z4233238096422_4b152bc309ce6c97dea07d154589128f.jpg

Vỉa hè, mặt đường và nhiều hạng mục chỉnh trang các tuyến đường được đầu tư từ nguồn vốn của dự án. Trong ảnh là đường Lê Lợi- TP. Huế

Các hạng mục công việc phần vốn dư sẽ được thực hiện thông qua 7 gói thầu xây lắp/ thiết bị gồm: Tuyến ống thu nước thải cho khu A, khu đô thị An Vân Dương và thoát nước thải bổ sung các khu vực còn lại khu đô thị An Vân Dương; Kè sông Như Ý đoạn từ Đập Đá đến Cầu Vân Dương; Thoát nước, lề đường Phạm Văn Đồng; Kè cọc DƯL sông Như Ý, khu vực bao quanh Nhà máy xử lý nước thải; Kè trọng lực sông Như Ý, khu vực bao quanh Nhà máy xử lý nước thải, kè sông An Cựu, kè hói Long Thọ và một số tuyến cống chung; Kè tại khu C, khu đô thị An Vân Dương; Bổ sung thiết bị Nhà máy xử lý nước thải để nước thải sau xử lý đạt cột A.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cho 5 gói thầu để bắt đầu triển khai thi công vào tháng 4/2023; 2 gói thầu còn lại cũng sẽ được khởi công thực hiện trong tháng 5/2023. Dự kiến các gói thầu hoàn thành vào tháng 6/2024.

“Để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn vay ODA hiệu quả trong điều kiện thời gian còn lại của dự án không nhiều, Ban đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án chất lượng, đúng tiến độ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, cải thiện mỹ quan đô thị, thu hút đầu tư, phát triển du lịch cho TP. Huế”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Văn Dinh