Đề xuất giải pháp hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 18:46, 03/04/2023

(TN&MT) - Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên chất lượng và điều kiện nước sạch và vệ sinh ở các hộ gia đình ở khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn là vấn đề rất cần được quan tâm.

Còn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) đã chỉ ra rằng, hiện nay, còn 22% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh (khoảng gần 14 triệu người dân ở khu vực nông thôn đang sử dụng các nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn), 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn, điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt phụ nữ và trẻ em.

nuoc-gieng-khoan.jpg
Nhiều hộ dân vẫn sử dụng nước sinh hoạt từ giếng khoan qua bể lọc, không được tiếp cận nguồn nước sạch

Hàng năm, tại Việt Nam có khoảng 20 nghìn ca tử vong do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, 9.000 người tử vong do nguồn nước bị ô nhiễm... Vệ sinh môi trường yếu kém sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại khoảng gần 800 triệu USD do tình trạng vệ sinh kém gây nên.

Trong đó, tại tỉnh Sóc Trăng, bà Trần Kim Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo số liệu thống kê của UNICEF năm 2019, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh của tỉnh là 65%. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đặc biệt còn thấp tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn khá cao, nhiều hộ gia đình vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận với nước sạch ở các huyện chỉ ở mức 60-70%, đa số những xã có tỷ lệ tiếp cận nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh thấp hiện nay đều là những xã có tỷ lệ nghèo cao, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bên cạnh đó, theo bà Trần Kim Phượng, những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh trong thời gian đến từ việc nhận thức của hội viên phụ nữ về vệ sinh nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung và cuộc vận động ở một số địa bàn chưa đầy đủ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu, khó xóa bỏ, nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế; kinh phí đầu tư cho “các công trình phụ” của hộ gia đình còn thấp; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động ở một số cơ sở Hội chưa thực sự sâu rộng...

Tìm giải pháp để phụ nữ nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn

Để thúc đẩy hơn nữa việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, mới đây, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo về giải pháp tiếp cận nước sạch và vệ sinh an toàn cho phụ nữ và trẻ em nông thôn. Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu dự thảo Kế hoạch hành động của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thực hiện 3 sạch trong chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời tham vấn với các Bộ, Ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế để hoàn thiện kế hoạch và thống nhất các giải pháp phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong quá trình thực hiện.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra các giải pháp hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tiếp cận với nước và vệ sinh ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung. Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh, cần tổ chức các hoạt động truyền thông đa dạng, cung cấp thông tin, kiến thức cho hội viên, phụ nữ về nhà tiêu hợp vệ sinh, lợi ích của việc sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh cá nhân; tổ chức các chiến dịch tham vấn với hội viên, phụ nữ để hướng dẫn, tư vấn cho các hộ gia đình xây dựng nhà tiêu và công trình chứa nước hợp vệ sinh; cần xây dựng được mô hình mới, sáng tạo, thực hành tốt phù hợp với đặc điểm văn hóa người dân ở từng vùng miền.

Bên cạnh đó, hỗ trợ gia đình hội viên có nhu cầu tiếp cận vay vốn xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh từ Ngân hàng chính sách xã hội và từ các quỹ tín dụng khác tại địa phương; tổ chức các mô hình tiết kiệm, xoay vòng vốn phù hợp để tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh trong gia đình…

05e897e2bd4560862be37edeb74513a9.jpg
Mô hình thu trữ nước mưa hộ gia đình là một giải pháp hiệu quả góp phần hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch vệ sinh

Chia sẻ về kinh nghiệm mô hình thu trữ nước mưa hộ gia đình, bà Hoàng Thị Tây Ninh, Quản lý vận động và truyền thông tổ chức Save Children cho rằng, đây là một giải pháp hiệu quả góp phần hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch vệ sinh. Thông qua mô hình, các hộ gia đình được cung cấp bồn chứa nước bằng nhựa đã được kiểm định chất lượng, dễ vận chuyển để trữ nước mưa. Đây là hệ thống khép kín làm hạn chế ô nhiễm trong quá trình thu và trữ nước, người dân không quá tốn kém chi phí cho việc duy trì, bảo quản đặc biệt đối với hộ gia đình nghèo.

dt3-1.jpg
Mô hình “Thu gom rác thải nhựa” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Hòa, TP Sa Đéc góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường  nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 khong, 3 sạch" và xây dựng nông thôn mới

Đối với các cấp Hội phụ nữ Hà Nội, vấn đề nước sạch và vệ sinh an toàn cho phụ nữ, trẻ em được triển khai lồng ghép, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Có được kết quả “3 sạch” nổi bật hiện nay, Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hà Nội chú trọng việc chỉ đạo điểm, hướng dẫn các cấp Hội lồng ghép các tiêu chí “3 sạch” với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các chuyên đề công tác của Hội, lựa chọn các nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tình hình hội viên để triển khai như: tuyên truyền trên các nền tảng truyền thông của Hội và phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường, truyền thông các mô hình về bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, các đại biểu đã cùng thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Việt Anh