Đắk Glong (Đắk Nông): Chú trọng phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững
Tài nguyên - Ngày đăng : 14:46, 03/04/2023
PV: Ông có thể cho biết một số kết quả mà huyện Đắk Glong đã được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua?
Ông Trần Nam Thuần:
Trong thời gian qua, công tác trồng và phát triển rừng trên địa bàn huyện tập trung phần lớn vào việc trồng mới rừng. Trong đó, chủ yếu là trồng rừng sản xuất tập trung của các doanh nghiệp, của các hộ dân và trồng rừng thay thế của các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn huyện. Cụ thể, tổng diện tích rừng trồng giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn của các đơn vị là 3.745,8 ha. Trong đó, năm 2017, tổng diện tích trồng là 1.086,70 ha. Năm 2018 là 612,27 ha. Năm 2019 là 530,66 ha.
Đến năm 2020, tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện Đắk Glong là 392,951 ha. Năm 2021 là 403,267 ha. Năm 2022, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp vận động người dân tham gia trồng rừng. Kết quả tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích phát triển rừng trên địa bàn, bao gồm cả diện tích ngoài kế hoạch là 542,254 ha. Đối với các diện tích rừng trồng trên hiện đang được quản lý bảo vệ tốt, cây sinh trưởng phát triển theo chu kỳ.
PV: Được biết, công tác quản lý, bảo vệ và giao khoán rừng cho người dân đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này?
Ông Trần Nam Thuần:
Có thể nói, Đắk Glong là một trong những địa phương của tỉnh Đắk Nông đi đầu trong công tác giao khoán đất rừng để người dân thu được nguồn lợi từ rừng cũng như giúp cho chính quyền địa phương giảm được áp lực về tình trạng phá rừng trên địa bàn. Điển hình như: Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng hiện đang giao khoán hơn 6.000 ha rừng cho 201 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần khu rừng.
Trong đó, các hộ dân tập trung sinh sống chủ yếu ở 2 xã: Đắk Som và Đắk R’măng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông); xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Trung bình mỗi năm, các tổ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm đã tổ chức khoảng 1.000 lượt tuần tra rừng và ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng. Đơn cử như năm 2019, các hộ nhận khoán đã tham gia 1.168 lượt tuần tra, kiểm tra tại 24 tiểu khu rừng trong VQG với 5.540 lượt người tham gia.
Trong số 6.030 ha rừng giao khoán cho người dân được chia theo 02 lưu vực như: Sông Đồng Nai có hơn 2.361 ha, còn lại sông Sêrêpốk hơn 3.668 ha. Với mức chi trả trung bình từ 693.000 đồng đến 1,028 triệu đồng/ha/năm, thì trung bình mỗi năm, một hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng sẽ có thu nhập từ 20,8 đến 30,8 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, việc giữ rừng không chỉ nằm trên diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ mà còn lan tỏa ở cả VQG Tà Đùng. Bởi mỗi hộ nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng cũng chính là một tuyên truyền viên về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, diện tích rừng hàng năm ở VQG Tà Đùng bị xâm hại ngày càng được giảm thiểu.
PV: Để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phát huy hiệu quả, giúp giảm nghèo bền vững, huyện Đắk Glong sẽ có những giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?
Ông Trần Nam Thuần:
Hiện nay, vùng nguyên liệu tại 2 xã Đắk R’Măng, Đắk Plao đang phát triển mạnh nhưng đầu ra của các sản phẩm gỗ rừng trồng vẫn chưa được đảm bảo; việc vận chuyển đến các nhà máy tiêu thụ xa, dẫn đến chi phí cao, ảnh hưởng đến chi phí của người mua bán gỗ. Trên địa bàn huyện chưa hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm mang tính thương hiệu về gỗ rừng trồng, dẫn đến giá thành sản phẩm bán ra so với mặt bằng chung trên thị trường còn thấp. Hiện tại, diện tích quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn rất lớn nhưng một số diện tích không còn phù hợp để phát triển rừng.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, huyện Đắk Glong kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy, các chuỗi cung ứng sản phẩm có nguồn gỗ từ rừng trồng trên địa bàn để tạo vùng sản xuất rừng trồng bền vững, từ đó, góp phần tăng thu cho ngân sách và hỗ trợ người dân thoát nghèo. Cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm về giống cây trồng lâm nghiệp để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đồng thời, huyện Đắk Glong cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng thương hiệu, đa dạng về các nguồn giống nhằm tăng thêm nguồn thu cho địa phương. Song song đó, huyện Đắk Glong cũng sẽ phối hợp với Sở NN&PTNN tỉnh Đắk Nông tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trồng, chăm sóc rừng cho người dân; triển khai các giải pháp căn cơ, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm kịp thời ngăn chặn việc phá hoại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển rừng trồng.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phát triển rừng trên địa bàn huyện, huyện Đắk Glong cũng kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông, Sở NN&PTNT xem xét, có các chính sách hỗ trợ địa phương trong công tác trồng rừng đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện trồng rừng sản xuất và rừng phân tán, đảm bảo mức hỗ trợ đạt tối thiểu 15.000.000 đồng/ha để khuyến khích sự tham gia của các bên cóliên quan.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!