Tuy Đức (Đắk Nông): Hiệu quả từ các chương trình giảm nghèo bền vững

Đất đai - Ngày đăng : 14:46, 02/04/2023

Tuy Đức là một trong những huyện kinh tế còn khó khăn thuộc diện huyện 30A của tỉnh Đắk Nông. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình giảm nghèo, đến nay, kinh tế của huyện Tuy Đức đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Người dân vươn lên, thoát nghèo

Trước đây, gia đình ông Điểu N’gar (bon N’Drong A, xã Quảng Tân, Tuy Đức) là hộ nghèo. Ông được huyện Tuy Đức hỗ trợ về nhà ở, bò giống, phân bón theo Chương trình giảm nghèo bền vững. Nhờ có nguồn lực này, trong vòng 4 năm, gia đình ông Điểu N’gar đã vươn lên thoát nghèo với nguồn thu nhập ổn định. Với 2,7 ha cà phê trồng xen điều, sau khi trừ chi phí, ông có lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.

Còn ông Điểu Toi (bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực) cho biết: “Thông qua Dự án làng biên giới, gia đình tôi đã được hỗ trợ 1 căn nhà kiên cố, trị giá 40 triệu đồng và cũng đã được hỗ trợ 1 ha đất sản xuất nông nghiệp, 350 cây giống mắc ca, 2 con bò từ Chương trình giảm nghèo bền vững. Có đất, có cây con giống, gia đình tôi yên tâm đầu tư sản xuất. Trên diện tích 1 ha đất của tôi, cây cà phê và mắc ca đang phát triển tốt. Dự tính, năm nay, gia đình tôi thu khoảng 3 tấn cà phê nhân, cùng với gần 1 tấn mắc ca tươi. Với các khoản thu mang lại, gia đình tôi tự tin thoát nghèo”.

a1.-tuy-duc.jpg
Người dân huyện Tuy Đức tập trung phát triển kinh tế theo hướng luân canh cây trồng, tạo thêm thu nhập

Tương tự, nhiều gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tuy Đức cũng đã từng bước vươn lên, thoát nghèo. Theo bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, từ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các dự án giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện cho người nghèo cải thiện sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Thông qua thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư, mở rộng, nhất là hạ tầng giao thông, giúp các vùng khó khăn có điều kiện phát triển.

Tạo động lực phát triển kinh tế

Tuy Đức là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, với xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân nói chung, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu vốn đầu tư, khả năng phát triển sản xuất hạn chế, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao, giảm nghèo trên địa bàn huyện chưa bền vững. Trước tình hình đó, UBND huyện Tuy Đức đã xây dựng các chính sách, chương trình giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế cho các bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

a2.-tuy-duc.jpg
Nguồn lực đất đai ở huyện Tuy Đức còn rất lớn, phù hợp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết: Trên cơ sở kết quả rà soát các hộ nghèo, huyện Tuy Đức đã chọn các hộ nghèo theo từng mức độ để hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo… Trong 5 năm qua, số hộ nghèo toàn huyện đã giảm 10,21%/năm. Trong đó, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cũng đã giảm 13,34%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy đề ra.

“Thông qua thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, đời sống, vật chất và tinh thần của người dân địa phương, nhất là người dân nghèo ngày càng được nâng lên. Người dân cũng đã được tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Hiện nay, diện mạo các bon, làng trên địa bàn Tuy Đức đã có nhiều đổi thay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc” - bà Phạm Thị Phượng cho hay.

Hiện tại, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) ưu tiên đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng phát triển các loại cây trồng có thế mạnh và xây dựng các trang trại chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung. Tuy Đức cũng tập trung xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương và tập quán sản xuất, canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đảm bảo “chỗ đứng” của người nghèo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, để “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phạm Hoài