Giảm thiểu nhu cầu sử dụng ngà voi bằng du lịch có trách nhiệm
Môi trường - Ngày đăng : 08:59, 01/04/2023
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và tích cực trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt liên quan đến các loài quý, hiếm như voi, hổ, tê giác, tê tê,… Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do vị trí thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong thị trường động vật hoang dã, trong đó có ngà voi khu vực châu Á rộng lớn.
"Sau Covid 19, hoạt động buôn bán quốc tế động vật hoang dã có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực trong đó cần hợp tác đa ngành trong thực thi, thực hiện các hoạt động giảm cầu, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực. Do đó, việc thực hiện hiệu quả dự án Giảm cầu ngà voi sẽ góp phần thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác thực thi Công ước CITES và quy định của pháp luật Việt Nam trong công tác bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học tại Việt Nam”, Phó Tổng cục trưởng Bùi Chính Nghĩa nhấn mạnh.
Theo đó, dự án sẽ tập trung vào giảm áp lực săn trộm voi trong tự nhiên thông qua các hoạt động giảm nguồn cung và cầu ngà voi, cũng như các sản phẩm ngà voi tại các thị trường châu Á.
Trong ba năm thực hiện, dự án sẽ thực hiện các hoạt động: Tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các cán bộ liên quan, cải thiện hiệu quả công tác phòng chống, buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi và các sản phẩm làm từ ngà voi tại Việt Nam; Nâng cao nhận thức pháp luật về phòng chống buôn bán động vật hoang dã nói chung, ngà voi và các sản phẩm làm từ ngà voi nói riêng cho cộng đồng và đặc biệt là các hướng dẫn viên và khách du lịch đến Việt Nam.
Thông qua đó, thúc đẩy du lịch có trách nhiệm, lan toả thông điệp “Nói không với buôn bán ngà voi”, giúp du khách thay đổi hành vi, giảm cầu tiêu thụ, mua bán ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi. Các địa phương có những địa điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh sẽ là nơi dự án triển khai các hoạt động.
Ông Bill Possiel, Giám đốc Chương trình Bảo tồn của WWF-Việt Nam tin tưởng, khi được thực hiện thành công, dự án sẽ góp phần chấm dứt nhu cầu sử dụng ngà voi. WWF cam kết tiếp tục các nỗ lực nhằm ngăn chặn nạn săn bắt voi châu Phi bất hợp pháp, đồng thời thực hiện các hoạt động phục hồi quần thể voi. Với sự quyết tâm của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan thực thi pháp luật, Việt Nam hoàn toàn có thể ra khỏi bản đồ hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Buôn bán ngà voi bất hợp pháp là nguyên nhân chính khiến quần thể voi châu Phi bị suy giảm nghiêm trọng, đẩy loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính, hàng năm, có ít nhất 20.000 cá thể voi châu Phi đã bị giết để lấy ngà. Tốc độ voi bị giết để lấy ngà còn nhanh hơn tốc độ sinh sản của chúng. Cũng vì thế, quần thể voi châu Phi đã giảm xuống từ 1.300.000 cá thể năm 1979 xuống còn khoảng 415.000 cá thể vào năm 2016. Quần thể voi sẽ tiếp tục suy giảm nghiêm trọng nếu chúng ta không có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này.