Tăng cường năng lực thực thi các mục tiêu khí hậu của Việt Nam

Môi trường - Ngày đăng : 15:43, 31/03/2023

(TN&MT) -Trong gần 4 năm triển khai (2019 – 2023), Dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA) đã đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng khung chính sách và pháp luật về biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường năng lực cho các cơ quan đầu mới quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý và phối hợp thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Thỏa thuận Paris.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Hội thảo tổng kết Dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA), do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức ngày 31/3, tại Hà Nội.

anh1.jpg
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, trong thời gian gần 4 năm qua Dự án VN-SIPA đã hỗ trợ các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh triển khai các hoạt động hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Paris và đạt được những kết quả rất tích cực.

Với sự hỗ trợ của Dự án và một số đối tác khác, Việt Nam trình NDC năm 2020 và cập nhật năm 2022, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Các khung chính sách, kế hoạch về biến đổi khí hậu nhằm đưa ra lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cũng được xây dựng và hoàn thiện. Đây là một trong những kết quả rất tích cực mà dự án đạt được.

Bên cạnh đó, VN-SIPA cũng tư vấn và hỗ trợ các Bộ, ngành xây dựng được 4 hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cấp ngành: Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), giao thông vận tải, xây dựng, và quản lý chất thải; xây dựng các chính sách, kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK, trong đó có thông tư Hướng dẫn về dãn nhãn năng lượng đối với ô tô con, xe mô tô, xe máy sử dụng năng lượng điện; rà soát mức giảm phát thải KNK đối với hoạt động chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng tại năm thành phố lớn; Quy định quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng, do Bộ Giao thông vận tải chủ trì.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án cũng hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan) ngành NN&PTNT đến năm 2030; thực hiện NDC ngành trồng trọt, chăn nuôi, LULUCF…

anh2.jpg
Ông Jens Schmid-Kreye, đại diện Đái sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Nhằm giảm thiểu một cách chiến lược tác động tiêu cực gây ra bởi biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu, dự án VN-SIPA cùng các đối tác phát triển còn hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thúc đẩy thực hiện Kế hoạch Thích ứng quốc gia (NAP), và Hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) các hoạt động thích ứng cấp quốc gia. Các chính sách, kế hoạch mang tính chiến lược đều được các Bộ, ngành lồng ghép các giải pháp thực hiện NDC nhằm xây dựng một nền tảng, cơ sở pháp lý hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ngoài các hỗ trợ xây dựng chính sách, nâng cao năng lực cho các Bộ, ngành, dự án VN-SIPA đã thí điểm thành công 3 giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) đô thị ở TP. Đồng Hới, Quảng Bình, và 5 mô hình canh tác nông nghiệp dựa vào hệ sinh thái và nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hà Tĩnh. Theo ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, các mô hình thí điểm là những giải pháp thích ứng hiệu quả, góp phần đảm bảo thích ứng BĐKH với một khu vực chịu ảnh hưởng lớn như tỉnh Quảng Bình.

Bên cạnh tổng kết các kết quả giai đoạn I của Dự án, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận về kế hoạch triển khai giai đoạn II từ năm 2023 - 2028. Mục tiêu hướng tới hoàn thiện thể chế, chính sách về BĐKH tại Việt Nam; tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của BĐKH và bảo tồn đa dạng sinh học; có những hành động giảm nhẹ và thích ứng có thể đo lường kết quả.

Chia sẻ về nhu cầu của Việt Nam trong thời gian tới, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí cho rằng, dự án cần hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26 và Tuyên bố Chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng JETP. Trong đó, chú trọng thực hiện NDC và Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học; tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật triển khai JETP, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào giảm phát thải khí nhà kính.

anh3.jpg
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Jens Schmid-Kreye, đại diện Đái sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cho rằng, VN-SIPA là ví dụ cho sự hợp tác thành công giữa Đức và Việt Nam, mở đường cho các hoạt động hợp tác mạnh mẽ hơn với những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới. Hai nước sẽ cùng nhau hướng tới mục tiêu quốc gia trung hòa khí hậu vào năm 2050, thực hiện NDC, và mục tiêu cụ thể của Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Dự án VN-SIPA với tổng nguồn vốn 10,3 triệu EUR, được tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu Toàn cầu (IKI). Sáng kiến là một phần quan trọng trong cam kết quốc tế về hỗ trợ tài chính cho BĐKH của chính phủ Đức.

Mục tiêu nhằm tăng cường năng lực hỗ trợ triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại 5 Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng với 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Từ năm 2022, IKI được hợp tác thực hiện bởi Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu (BMWK), Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng (BMUV) và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức (AA).

Khánh Ly