Phú Yên mùa Xuân mới

Xã hội - Ngày đăng : 21:08, 30/03/2023

(TN&MT) - Tuy Hòa từ lâu đã đi vào thơ, vào nhạc, đi vào lòng người, để trong những người đi xa và đi qua Tuy Hòa những dấu ấn khó quên. Tuy nhiên Tuy Hòa cho đến hôm nay chỉ mới là một thành phố loại nhỏ của miền Trung. Tôi có mấy lần được nghe nhắc về Tuy Hòa mà lòng rung động xốn xang và không bao giờ quên được.

Một lần đồng chí Phan Văn Khải - Thủ tướng Chính phủ tiếp và làm việc với đồng chí Nguyễn Thành Quang - Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí cán bộ của Phú Yên. Hôm đó, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo những đề xuất, những dự án mang tính đột phá kích cầu, trong đó có dự án khu đô thị Nam thị xã Tuy Hòa, Thủ tướng Phan Văn Khải với một nỗi niềm cởi mở, thân mật và vô cùng vui tươi, ông đã ủng hộ những đề xuất của tỉnh và ân cần dặn dò:

“Tuy Hòa là một trong số rất ít thành phố nằm ven bờ biển của cả nước, lại có trục quốc lộ Bắc - Nam đi qua. Tuy Hòa có sông, có núi, có biển, là một thành phố có cảnh quan tuyệt vời, vì vậy phải tính đến việc xây dựng một thành phố đẹp và đẹp lâu dài để cho thế hệ con cháu sau này không chê trách”. Với cầu Hùng Vương dự định xây, Thủ tướng nói: “Cây cầu này sẽ tôn nét mỹ quan của thành phố, vì vậy phải chọn và xây kiểu cầu thật đẹp, có kiểu dáng độc đáo để không giống bất kỳ cầu nào trên cả nước”. Với thành phố Tuy Hòa, ông dặn phải có quy hoạch thật tốt, tránh các nhà hộp, nhà ống cất dọc đường, phải có nhiều villa nhà trước vườn sau… Ông nhắc từng chi tiết nhỏ để Phú Yên lưu ý khi quy hoạch và xây dựng thành phố Tuy Hòa. Ông đồng ý cho Phú Yên được mời nước ngoài lập quy hoạch để có một thành phố đẹp bền vững cho mai sau.

*

*     *

8-9.jpg

Gành đá đĩa

Hôm nay, tôi nhớ lại những kỷ niệm đó, nghĩ về Phú Yên, về Tuy Hòa của tương lai. TP. Tuy Hòa được nằm giữa một dải bờ biển trải dài phía Nam sân bay Tuy Hòa kéo dài ra đến Bãi Xép nơi phân cảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Nếu thành phố được mở rộng ở phía Bắc với Hòn Yến và những rạn san hô hấp dẫn; ở phía Nam với đèo Cả và cảng Vũng Rô lịch sử thì Tuy Hòa sẽ là đô thị lớn. Một thành phố với cảng Vũng Rô có mức nước sâu 18m cho tàu quốc tế trọng tải 150.000 tấn ra vào, cảng Vũng Rô là một trong số ít cảng của Việt Nam có cửa quay về phía Nam, không bao giờ bị bồi lấp, có 3 bề núi bao bọc nên luôn luôn gió im sóng lặng, nơi ghi dấu ấn lịch sử bởi huyền thoại của những con tàu “Không số”. Gần đó, cảng bãi Gốc với tàu 350.000 tấn là cảng trung chuyển lớn của miền Trung gần đường hàng hải quốc tế vào loại nhất Việt Nam cũng sẽ được xây dựng. Phú Yên có sân bay Đông Tác nằm bên bờ biển với đường băng trên 3.000m, có khu vực tĩnh không rất rộng lượn trên cánh đồng lúa Tuy Hòa 20.000ha mượt mà bằng phẳng, đảm bảo cho các loại máy bay lớn, tầm xa hạ - cất cánh ngày và đêm. Sân bay Đông Tác mới xây theo mô hình con sò nằm bên bờ biển hoàn toàn có thể mở rộng để trở thành sân bay Quốc tế, trực tiếp đón các máy bay từ các nước trên thế giới.

Tuy Hòa nằm trên trục đường sắt và Quốc lộ 1, lại có đường nối Đắk Lắk và Gia Lai. Lịch sử mãi ghi dấu ấn về đường 7 từ Pleiku về Tuy Hòa - nơi quân ta đã đánh tan cuộc rút quân chiến lược của quân ngụy khi chúng tháo chạy, góp phần vào chiến công giải phóng Tây nguyên, giải phóng miền Nam. Đó là con đường nối Tuy Hòa - Pleiku, từ đó nối Kon Tum, Tân Cảnh và Bờ Y - cửa ngõ của 3 biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào. Đây là trục đường duy nhất vượt qua Trường Sơn Đông nối đường Hồ Chí Minh, nối ngã ba 3 biên giới, mà không có đèo dốc hiểm trở. Đường bộ lên Đắk Lắk cũng chỉ hơn 150km và cũng không có đèo dốc cao, rất thuận tiện cho việc xây dựng đường sắt nối thông Tây Nguyên ra biển Đông. Tuy Hòa sẽ là cửa ngõ về hàng hải và hàng không quốc tế cho Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Bắc Campuchia.

Phía Nam Tuy Hòa là vùng công nghiệp với các dự án lớn mang tính động lực của nền kinh tế tỉnh. Cùng với các khu công nghiệp Hòa Hiệp, khu Nam Tuy Hòa sẽ là vùng công nghiệp phát triển. Phía Bắc thành phố Tuy Hòa và Nam Tuy An là vùng du lịch biển, du lịch sinh thái với dự án du lịch cao cấp, Trường đua ngựa quốc tế của Úc và dự án khu du lịch sinh thái Sao Việt, Sao Mai… đang hoạt động và phát triển.

Hai vùng kinh tế Nam và Bắc thành phố Tuy Hòa phát triển mạnh chẳng khác gì “hai cánh của một con đại bàng” cho Tuy Hòa, cho Phú Yên cất cánh bay xa. Trung tâm thành phố tỉnh trong tương lai phải là hai bên bờ sông Đà Rằng có núi Nhạn tình tự in bóng. Hai bờ sông Đà Rằng ổn định không sợ lũ lụt và chắc chắn thành phố sẽ nằm dọc theo hai bờ hữu tả của Đà Rằng với những cây cầu nối hai bờ vui của thành phố. Một số thành phố vệ tinh như kiểu thành phố thông minh ở Malaysia sẽ mọc lên, chắc chắn sẽ là Đông Hòa, Tây Hòa, là Phú Hòa, là Chí Thạnh, Tuy An. Và những thành phố vệ tinh của du lịch là Sông Cầu, Sơn Hòa, Sông Hinh.

Ngồi trên máy bay, chúng ta sẽ thấy cánh đồng 20.000ha xanh mượt như những thảm nhung khổng lồ và sông Đà Rằng, các kênh mương của hệ thống thủy nông Đồng Cam như những động mạch của một cơ thể sống hiện đại. Đó đây những núi, những hồ và thành phố trải dài bên bờ Biển Đông nhẹ nhàng sóng vỗ. Núi Chóp Chài với cột tháp truyền hình trên độ cao 500m như một biểu tượng của sự vươn lên và thống lĩnh của khoa học trí tuệ. Núi Chóp Chài và Cổ Rùa như một Kim Quy khổng lồ nằm phủ phục quay đầu về trung tâm thành phố mà Núi Nhạn là hòn Ngọc quý từ Kim Quy nhả ra để ngày đêm soi bóng xuống Đà Rằng, tạo nên thiên cảnh Núi Nhạn Sông Đà đầy ấn tượng. Theo các nhà phong thủy thì hướng ra của Tuy Hòa là trục Đông Nam mà điểm cuối cùng là cảng Vũng Rô và mũi điện, đó cũng là hướng nhìn của Kim Quy, thật là một vùng đất địa linh. Đồng lúa Tuy Hòa đã vươn lên đạt năng suất cao vào loại nhất của cả nước, bãi mía nương dâu ven sông Đà Rằng sẽ thay thế bằng vùng rau sạch cho thành phố Tuy Hòa và Phường 9, Bình Kiến, Hòa Kiến, Ngọc Lãng… sẽ là vùng hoa chuyên canh của thời kỳ kinh tế phát triển. Vùng Hòa Trị, Hòa Quang, Hòa Thành và vùng Nam Tuy An đặc biệt là Cao Nguyên Vân Hòa có khí hậu ôn hòa mát mẻ là vùng cây ăn trái của Phú Yên.

II

Chiếc máy bay của Hàng không Việt Nam hạ độ cao lượn từ Sông Cầu bay dọc biển Phú Yên, rồi vòng trên đồng lúa Tuy Hòa để hạ cánh xuống sân bay Đông Tác. Nhìn những vịnh, những đảo, những bờ biển quanh co uốn lượn vô cùng xinh đẹp và kỳ vĩ của quê hương, càng kỳ vĩ hơn bởi những gành, những núi nhô ra biển, tạo nên những bức tranh khổng lồ sơn thủy hữu tình, lòng tôi bồi hồi khấp khởi.

8-9.png

Mũi Đại Lãnh

Phú có nghĩa là giàu có, phú quý. Yên có nghĩa là an, an bình và yên tĩnh, với Phú Yên, sự yên tĩnh đến sâu lắng. Mùa xuân đã về với mảnh đất miền Trung xinh đẹp và khiêm nhường này. Tôi nói khiêm nhường bởi vì vẻ đẹp kiều diễm của Phú Yên, nếu so với các tỉnh trên cả nước Việt Nam thì đặc sắc không thua kém tỉnh nào. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, nếu so sánh thì biển Phú Yên đẹp hơn nhiều vùng biển du lịch của các nước. Nói đúng hơn là đẹp hơn các bãi biển của Pháp, của Đức, của Algeria, của Nga…

Một tỉnh có 200 cây số bờ biển với rất nhiều đầm vịnh, nhiều bãi cát trắng phau, nước xanh biêng biếc tạo ra nhiều bãi tắm thần tiên. Nào là bãi Nồm, bãi Ôm, bãi Xép, bãi Dài, bãi Từ Nham, bãi Tiên... Và cũng trên bờ biển này, Gành Đá Đĩa - một kiệt tác của thiên nhiên từ phun trào núi lửa tạo nên những vỉa đá xếp ngay ngắn như có bàn tay con người, gành đá nằm nhô ra biển rất kiêu hãnh và cũng rất sinh thái. Thế giới chỉ có vài nơi như thế này. Tôi đến mỏm đá đầu rồng của đảo Jeju Korea, cũng hiện tượng địa chất giống như đá đĩa Phú Yên nhưng nó là điểm đến du lịch, mỗi năm đón hàng triệu khách tham quan.

Gành Đá Đĩa là danh thắng nhưng vẫn nguyên sơ đơn điệu. Những danh thắng của Phú Yên, những bãi cát mịn màng của Phú Yên là những huyền thoại lắng đọng trong mỗi con người. Phú Yên có 18 danh tích thắng cảnh cấp quốc gia. Trong đó có nhiều di tích lịch sử, di tích nghệ thuật. Phú Yên là quê hương kèn đá độc nhất vô nhị của Việt Nam cùng với bộ đàn đá cũng ở Tuy An có từ 2.000 năm trước. Phú Yên có nhà thờ Mằng Lăng - một trong những nhà thờ đá cổ nhất Việt Nam còn lưu giữ được bộ sách của người khai sinh chữ quốc ngữ Việt Nam Alexandre de Rhodes - bộ sách in từ 350 năm trước đây, cũng là cuốn sách chữ quốc ngữ lớp đầu tiên của Việt Nam. Làn điệu dân ca bài chòi Phú Yên mới được công nhận là di sản nhân loại.

Phú Yên có 6 địa danh lọt vào tốp quốc gia gồm: Mũi Đại Lãnh nơi đón bình minh sớm nhất nước, Gành Đá Đĩa, Vịnh Xuân Đài, Vịnh Vũng Rô (hai vịnh này nằm trong top 10 vịnh đẹp Việt Nam). Tháp Nhạn có từ 1.000 năm trước nằm bên dòng sông Đà Rằng tạo nên cảnh “Núi Nhạn sông Đà”, (5 thắng cảnh này mới được bình chọn nằm trong số 18 di tích cấp quốc gia). Riêng đèo Cù Mông của Phú Yên được chọn vào top 5 ngọn đèo nổi tiếng Việt Nam. Giáo sư Theresa Thu Thủy - người thầy về năng lượng sinh học thế giới đã xếp núi Đá Bia và núi Chóp Chài là nơi giàu năng lượng sinh học cho con người vào bậc cao của nhân loại.

Phú Yên còn nổi tiếng bởi hải sản như cá ngừ đại dương với sản lượng mỗi năm 6.000 tấn, dẫn đầu cả nước. Phú Yên giàu hải, đặc sản như: sò huyết Ô Loan, tôm hùm, ốc nhảy Sông Cầu... Có thể nói, Phú Yên có nền văn hóa ẩm thực rất phong phú. Mới đây, sò huyết Ô Loan và cá ngừ đại dương của Phú Yên được công nhận là món ẩm thực ngon của đất nước.

Kiều diễm và giàu tiềm năng như vậy, nhưng Phú Yên vẫn còn hoang sơ mà tôi gọi là tĩnh lặng, là sâu lắng. Phú Yên chưa phải là điểm đến của du lịch thì quả là một sự khiêm tốn trong tĩnh lặng. Phú Yên hoàn toàn hội đủ yếu tố trở thành điểm đến trong tốp đầu của du lịch Việt Nam và thế giới.

Phú Yên từ bao năm chỉ chủ yếu là nông nghiệp, ngư nghiệp. Chúng ta có kho lúa nhờ cánh đồng Tuy Hòa, có hệ thống thủy lợi với đập đồng cam lấy nước sông Ba rất đảm bảo cho mùa vụ, có biển bạc hàng năm cho hàng vạn tấn tôm cá… Biển rộng, bờ biển nơi đất liền cực Đông của Tổ quốc có nước xanh trong, cát trắng và nắng ấm. Làm sao để dân ta có thể được no ấm hơn, giàu có hơn, hạnh phúc hơn? Một vị trưởng lão của ngành Nông nghiệp Việt Nam nói với tôi rằng: “Phú Yên là một tỉnh có nông nghiệp hoàn chỉnh vì có nông nghiệp rừng, nông nghiệp biển và nông nghiệp ruộng đồng. Tuy nhiên, nông nghiệp khó tạo ra đột phá để giàu có nếu không có công nghệ cao, nhất là công nghiệp chế biến”. Tôi tán thành ý kiến của ông và nói thêm rằng: “Cái đột phá có thể giúp Phú Yên đi nhanh, tôi nghĩ là du lịch” đặc biệt là du lịch xanh, du lịch sinh thái. Ông tán thành với tôi: “Du lịch phát triển sẽ đưa nông nghiệp Phú Yên lên tầm cao”.

Thủ tướng Phan Văn Khải khi về thăm Phú Yên đã nói: “Phú Yên cần tìm giải pháp nhanh chóng đưa Phú Yên ra khỏi tỉnh nông nghiệp, không để tỉ trọng nông nghiệp chiếm quá cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh”. Ông cũng khẳng định, “du lịch là thế mạnh của Phú Yên” và “du lịch biển phải là ngành kinh tế mũi nhọn”.

Phú Yên là đất của tiềm năng du lịch, một vùng đất mới hấp dẫn đang còn nguyên sơ, tinh khiết, hoàn toàn đủ điều kiện để phát triển du lịch. Trong chuyến công tác ở Moscow (Nga), tôi cùng TS Nguyễn Quốc Hưng - người nghị sĩ từng là Phó Tổng cục trưởng Du lịch có cuộc trao đổi sôi nổi với các bạn Nga là những nhà du lịch, những người trong Hiệp hội du lịch và cả các công ty lữ hành lớn của Nga. Cuộc trao đổi đó có thể tóm ghi lại thế này: “Mùa đông ở xứ Bắc bán cầu chỉ toàn tuyết và tuyết, lạnh lắm. Người Nga rất thích đến Việt Nam để tránh rét, để tắm biển và còn được nhận những tình cảm thân thiện nồng ấm của người Việt Nam. Họ đã đến nhiều vùng biển Việt Nam và họ thấy Phú Yên có vùng biển tuyệt vời nhất. Nhưng Phú Yên còn thiếu nhiều thứ khách Nga muốn. Người Nga cần được ngủ bên bờ biển, được ăn trưa ngay bãi tắm và được đi tham quan. “Tại sao các anh có mỏ nước khoáng nóng mà không cho tắm khoáng và tắm bùn? Tại sao đến Gành Đá Đĩa - thắng cảnh hiếm hoi của thế giới mà đơn sơ và lộn xộn đến vậy”. Ở Phú Yên còn nhiều cái “tại sao”. Khách sạn, nhà hàng nhiều thì chưa đủ, phải có nhiều sản phẩm du lịch, nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí. Ông nói: “Chúng tôi thích ban đêm có những hoạt động sôi nổi, còn ở Phú Yên thì “Tắt đèn” sớm quá”. Phú Yên giàu nắng đẹp. Tôi cười và nói: “Chúng tôi bán nắng cho các anh nhé”. Một nhà thương gia vồ ngay: “Cái quý của các anh là nắng, các anh “xuất khẩu” tại chỗ được mà”. Mọi người cùng cười vui.

Trước ngày có dịch Covid-19, khách Nga đến Việt Nam ngày một tăng, từ 80.000 tăng lên 200.000 rồi 350.000 lượt khách. Tôi chợt nghĩ, nếu Phú Yên dồn sức, nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, để đón vài mươi ngàn khách Nga, khách Hàn Quốc, khách nghỉ đông quốc tế đến Phú Yên một năm có dưới 1 triệu khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam. Sân bay Tuy Hòa có thể đón những chuyến bay thẳng từ Nga, từ Hàn Quốc hạ cánh xuống Đông Tác, mỗi chuyến 250 khách, mỗi tháng vài chuyến bay thì sẽ góp phần đổi thay bộ mặt của Tuy Hòa. Từ trái dừa, củ khoai, con cá, con tôm đến hàng lưu niệm thủ công... đều có vị trí của nó. Và từ đó sẽ có đà để Phú Yên thành điểm đến mới hấp dẫn của du khách mà đặc biệt là khách các nước Bắc bán cầu, nơi 6 tháng không có mặt trời. Một nhà kinh tế nói: “Đi sau có cái thiệt, nhưng sẽ hoàn thiện hơn”. Phú Yên phát triển du lịch sau, trên cái nền thiên nhiên rất trinh nguyên là thuận lợi lớn và nếu Phú Yên có quy hoạch phát triển du lịch tốt, Phú Yên quyết liệt thì du lịch Phú Yên những mùa xuân tới sẽ phát triển hoàn thiện nơi cực Đông của bản đồ chữ S, nơi đón bình minh sớm nhất nước, là mảnh đất đắc địa.

III

Cuối xuân, đứng trên đỉnh núi Thơm của Sao Việt nhìn ra Biển Đông, mặt trời tròn đỏ như quả bóng đang nhô lên khỏi bờ đại dương, bình minh đang lên trên vùng đất “Đón bình minh sớm nhất nước”, “nàng công chúa” Phú Yên đã thức dậy, xứ hoa vàng cỏ xanh đang chuyển mình, những làn mưa phùn lất phất nhẹ, nắng rọi làm long lanh những giọt mưa như đang phủ lên vùng đất phú những thảm kim cương. Các loại hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa hồng, hoa mai vàng… đang bung nở ở vùng đất Phú trời Yên này.

bien-tuy-hoa1.jpg

Bãi biển Tuy Hòa Phú Yên trong xanh 

Tôi đi giữa khu du lịch sinh thái Sao Việt - Resort 5 sao đầu tiên của Phú Yên, ngắm những hàng hoa Anh Đào nghiêng cành và những nụ hoa. Hoa giao cành trước các vila đón mùa xuân đến.

Thăm Sao Việt, điểm sinh thái tiên phong tiêu biểu và xinh đẹp của đất phú trời yên. Chiến tranh và con người đã cướp đi của núi, của đồi tất cả cây to bóng mát. Con người phải trả lại cho đất trời những thảm cây xanh. Sao Việt đã làm như vậy. Từ một đồi hoang không nước, không cây, khô cằn sỏi đá, công sức, trí tuệ con người đã tạo thành một khu du lịch 5 sao cao cấp, rất ấn tượng với nét sinh thái dân dã mà hiện đại. Cả một vùng đồi rực rỡ sắc màu như mâm hoa dâng cho đất trời và biển cả, nơi có thể “sáng tắm biển tối ngủ dưới tán rừng”, và xa thêm tí nữa, Vân Hòa với độ cao 450 - 500m có khí hậu mát nhẹ như Đà Lạt, Sa Pa mùa hè sẽ là nơi nghỉ mát lý tưởng.

Biển và rừng, đồi và núi ở Phú Yên, tất cả đều là tiềm năng du lịch.

Ký của GS. TS. Trình Quang Phú