Truyền thông về chuyển đổi xanh cần song hành chuyển đổi số

Xã hội - Ngày đăng : 18:25, 30/03/2023

(TN&MT) - Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc truyền thông hướng đến chuyển đổi xanh - định hướng tất yếu mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

PV: Thưa ông, phát triển xanh, chuyển đổi xanh đã trở thành “từ khóa” của nhiều quốc gia, nhiều chính sách, nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động truyền thông. Theo ông, truyền thông đóng vai trò như thế nào trong việc tạo nên cuộc “cách mạng xanh” đó?

6-2-.jpg

Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Ông Trần Trọng Dũng: Những năm gần đây, phát triển xanh đã trở thành xu hướng của thế giới, trong đó có Việt Nam, thể hiện rõ nét ở những cam kết mà các quốc gia đã thông qua tại Hội nghị công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, 27 (COP26, COP27) vừa qua. Riêng đối với Việt Nam, mục tiêu đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ về con đường phát triển bền vững, phát triển xanh đất nước.

Tôi cho rằng, chữ “xanh” ở đây có thể được hiểu là tất cả những hoạt động từ dịch vụ, sản xuất công nghiệp cho đến tiêu dùng đều phải đảm bảo thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh đó, truyền thông đóng vai trò là một trong những giải pháp được Chính phủ đặt ra để đạt được phát triển bền vững. Do vậy, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức từ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, ban, ngành để cùng đồng thuận với Chính phủ trong thực hiện những giải pháp về phát triển xanh.

PV: Như ông vừa chia sẻ thì truyền thông đóng vai trò quan trọng và là một trong những giải pháp để thực hiện chuyển đổi xanh hay phát triển kinh tế xanh trong toàn xã hội. Vậy theo ông, các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên có những hình thức nào để thúc đẩy các hoạt động truyền thông này?

Ông Trần Trọng Dũng: Câu hỏi của bạn rất hay! Mỗi một tờ báo tùy thuộc vào tôn chỉ mục đích của mình và tiềm lực về nhân lực của phóng viên và địa bàn hoạt động, từng tòa soạn có thể xây dựng chiến lược truyền thông cho phát triển xanh.

Ví dụ, Báo Tài nguyên và Môi trường - cơ quan ngôn luận của Bộ TN&MT mà Bộ TN&MT lại là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối về thực hiện các cam kết giảm phát thải tại COP26. Vì vậy, Báo TN&MT là một đơn vị báo chí có nhiều thế mạnh để thực hiện việc tuyên truyền về chuyển đổi xanh, kinh tế xanh.

Bên cạnh đó, đối với những tờ báo khác, sẽ có những vệt, những tuyến bài về tăng trưởng xanh phù hợp với tôn chỉ mục đích của mình. Muốn làm như thế, trước hết ở mỗi tòa soạn, có thể tổ chức những buổi tập huấn mời các chuyên gia trao đổi hoặc Hội Nhà báo các cấp có thể tổ chức tập huấn cho các nhà báo về những vấn đề phát triển xanh.

Phát triển xanh có thể rất rộng, từ tín dụng xanh, du lịch xanh, công nghiệp xanh… Trước tất cả những vấn đề đó, phóng viên cần được trang bị kiến thức thực tế, giúp họ có những tuyến bài viết về vấn đề này phù hợp với tôn chỉ mục đích của tờ báo mình.

Như vậy, đầu tiên là cần chuyển động ở nhận thức lãnh đạo tờ báo, từ Ban biên tập. Đồng thời, tôi thấy rằng, Hội Nhà báo là một cơ quan có khả năng tập hợp được đội ngũ những người làm báo và trang bị bồi dưỡng cho họ trước hết về nhận thức và tổ chức được những hình thức tác nghiệp mà mỗi tòa soạn có thể bị hạn chế. Chính vì vậy, trong chủ trương chung của Hội Nhà báo Việt Nam, đó là tiến tới thành lập Câu lạc bộ báo chí về phát triển xanh hướng tới Net Zero. Sau một thời gian chuẩn bị, câu lạc bộ đã chính thức được thành lập và sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, việc nâng cao nhận thức cho người làm báo cần đi liền với việc trang bị kỹ năng làm báo gắn với chuyển đổi số của mỗi tòa soạn. Muốn truyền thông về chuyển đổi xanh hiệu quả thì cần song hành với công nghệ làm báo hiện đại. Các tòa soạn nếu không chuyển sang chuyển đổi số thì chúng ta khó lòng có những tuyến bài sâu về vấn đề này.

6-1-.jpg

Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên Báo TN&MT. Ảnh: Tùng Quân

PV: Trong xu hướng chuyển đổi xanh của toàn xã hội, tại Phú Yên, Báo TN&MT tổ chức Diễn đàn Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và môi trường lần thứ VII. Ông đánh giá như thế nào về vị trí của “Nhà báo” trong chuỗi liên kết ba đối tượng của Diễn đàn?

Ông Trần Trọng Dũng: Tôi đánh giá cao việc Báo TN&MT tổ chức một Diễn đàn ý nghĩa như vậy! Diễn đàn là không gian kết nối giữa Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp; ba đối tượng nếu tách riêng thì chắc chắn những hoạt động về chuyển đổi xanh sẽ thiếu sự thông suốt, thống nhất.

Hiện nay, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh truyền thông về chính sách, tức là báo chí đưa những chính sách, chủ trương của các cơ quan chức năng đến được với doanh nghiệp và người dân. Vai trò của doanh nghiệp được khẳng định, bởi doanh nghiệp là nơi sản xuất dịch vụ và trực tiếp chịu ảnh hưởng của các chính sách này. Như vậy, cơ quan truyền thông là cầu nối giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp.

Thông qua truyền thông, cơ quan quản lý hiểu được các chính sách của mình có sự hợp lý hay độ “chênh” với thực tiễn cuộc sống khi doanh nghiệp áp dụng các quy định về phát triển xanh. Mặt khác, các cơ quan truyền thông cũng thông tin ngược lại với các cơ quan quản lý những vấn đề còn bất cập để tiếp tục hoàn thiện chính sách. Như vậy, việc xây dựng kinh tế xanh ở các doanh nghiệp có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý sẽ đạt được hiệu quả. Và qua việc kết nối giữa nhà quản lý với doanh nghiệp cũng giúp trưởng thành hơn cho chính cơ quan truyền thông; việc hiểu thêm về doanh nghiệp và các nhà quản lý sẽ giúp chất liệu truyền thông được tốt lên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tống Minh (thực hiện)