PV GAS: Xanh hóa nguồn nhiên liệu cho phát triển
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 15:56, 30/03/2023
Tiên phong phát triển LNG tại Việt Nam
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với đặc điểm thân thiện với môi trường đang là nguồn năng lượng được thị trường thế giới và Việt Nam ưu tiên sử dụng. Đây là loại năng lượng đóng vai trò “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường; là một giải pháp, một “cứu cánh” cho nhiều vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính.
Ở Việt Nam, Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh, nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”, đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.
Nhận thức được vai trò quan trọng của LNG trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là đại diện tiêu biểu, chủ lực của ngành công nghiệp khí Việt Nam, PV GAS luôn tích cực đi đầu trong việc thực hiện chiến lược, định hướng về LNG của Chính phủ. PV GAS đã có sự chủ động, chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi năng lượng và từng bước đưa LNG trở thành giải pháp quan trọng trong Chiến lược Năng lượng Quốc gia. Đây cũng là mục tiêu, nhằm bù đắp cho nguồn khí trong nước đang suy giảm, chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển thị trường khí/LNG tại Việt Nam.
Cụ thể, PV GAS đã thực hiện nhiều chiến dịch để quảng bá khí tự nhiên và PV GAS cũng chính là “người tiên phong” nhập khẩu LNG để thay thế dần nhiên liệu ô nhiễm hơn như than, dầu... tại các nhà máy nhiệt điện trong hệ thống điện Việt Nam, chuyển đổi hỗn hợp năng lượng sang trạng thái “xanh hơn”. Ưu tiên nguồn lực, nhanh chóng đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ nhập khẩu, phân phối LNG để đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài cho các khách hàng hiện hữu, kích thích sự hình thành, phát triển các khách hàng mới của các ngành, các khu vực theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội… PV GAS đã cho thành lập Chi nhánh kinh doanh LNG (PV GAS LNG) để phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí khô, LNG, condensate; xuất nhập khẩu LNG…
Định hướng mang tính chiến lược
PV GAS đã xây dựng chiến lược cụ thể về việc phát triển thị trường khí/LNG, đa dạng hóa đối tượng khách hàng, cũng như chủ động nghiên cứu làm việc với các hộ tiêu thụ khí LNG tiềm năng trong tương lai, trong đó các nhà máy nhiệt điện khí là trọng tâm với tỉ trọng khoảng trên 70%.
Theo đó, PV GAS sẽ phát triển khu vực Thị Vải, Bình Thuận, miền Bắc thành đầu mối/trung tâm LNG cả nước. Hiện, Dự án LNG tại Thị Vải của PV GAS đang được triển khai tích cực, nhằm cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện Nhơn Trạch và các hộ tiêu thụ khác ở khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài việc mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, quan trọng hơn, sự xuất hiện của Kho cảng LNG Thị Vải và Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ góp phần đảm bảo cho nhu cầu về khí cũng như điện cho khu vực công nghiệp đang ngày càng cấp thiết tại khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Lãnh đạo PV GAS cho biết, Tổng Công ty sẽ nỗ lực giữ vai trò đầu mối đầu tư và nhập khẩu LNG cho các hộ tiêu thụ trên toàn quốc nhằm thực hiện hiệu quả vai trò công cụ quản lý và điều tiết thị trường khí LNG. Cùng với đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo, dẫn dắt ngành Công nghiệp Khí Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hội nhập quốc tế sâu rộng, PV GAS định hướng trong thời gian tới sẽ “Phát triển PV GAS lớn mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, hoạt động hoàn chỉnh trong tất cả các khâu thu gom - vận chuyển - chế biến - xuất nhập khẩu - tồn trữ - dịch vụ - kinh doanh khí và sản phẩm khí, tham gia hoạt động đầu tư thượng nguồn”.
Tiếp tục đa dạng hóa nguồn khí
Trước những trở ngại như dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp; mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh LPG, cung cấp LNG ngày càng tăng cao; tỷ trọng nguồn khí có giá đầu vào thấp ngày càng giảm; cơ chế chính sách có thể nhiều thay đổi... PV GAS đã đưa ra chủ trương tiếp tục đa dạng hóa nguồn khí, tăng cường chế biến/chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm khí nhằm gia tăng giá trị, sản lượng khí và sản phẩm khí… Theo đó, PV GAS sẽ nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng, khí công nghiệp: Hydro, Nitơ, Ethane, Ethylene, Naphta, Argon, Methanol, PE, PP, các sản phẩm đồng phát (khí nóng, lạnh,…). Đẩy mạnh phát triển, kinh doanh an toàn, hiệu quả các sản phẩm khí thấp áp, CNG, LNG, LPG, condensate...
Đối với CNG (khí nén được khai thác từ các mỏ khí tự nhiên hoặc là khí đồng hành trong quá trình khai thác dầu mỏ, qua xử lý và nén ở áp suất cao để tồn trữ), nhận thấy rằng tiềm năng của CNG trong giao thông vận tải cũng như công nghiệp tại Việt Nam là rất lớn, PV GAS đã và đang tích cực chuẩn bị các kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn cung CNG cũng như nhiên liệu từ khí thiên nhiên đồng thời hoàn thiện cơ sở vật chất như xây dựng thêm các đường ống vận chuyển khí, nhiều trạm tiếp nhiên liệu để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian tới.
Trong bối cảnh xu thế chuyển dịch năng lượng diễn ra mạnh mẽ, PV GAS góp phần không nhỏ cùng các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi thành công sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên, thân thiện hơn với môi trường. PV GAS đi tiên phong trong thị trường LNG; cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm lĩnh 100% thị phần khí khô, khoảng 70% thị phần bán buôn LPG.
Sau hơn 3 thập kỷ nỗ lực xây dựng và trưởng thành, PV GAS đã cung cấp gần 165 tỷ m3 khí khô, trên 21 triệu tấn LPG, trên 2 triệu tấn condensate, đạt tổng doanh thu trên 1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 193 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách gần 95 nghìn tỷ đồng. PV GAS đã trở thành Tổng công ty lớn mạnh với 19 đơn vị trực thuộc/thành viên, hơn 2.800 CBCNV có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm, năng động, sáng tạo. Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng điện, khoảng 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm lĩnh 100% thị phần khí khô, khoảng 70% thị phần bán buôn và gần 11% thị phần bán lẻ LPG nội địa.