Cánh đồng lớn điển hình

Đất đai - Ngày đăng : 14:50, 30/08/2019

(TN&MT) - Mới đây, khi trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác tham quan thực địa cánh đồng lớn tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, khẳng định: Đây là mô hình kiểu mẫu điển hình của cả nước về quy mô cho đến tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao một cách toàn diện.

Theo đó, mô hình cánh đồng lớn tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang do Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) đứng đầu chuỗi liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết: Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Quốc phòng (GAET), Bộ Quốc phòng, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Âu Lạc (Công nghệ vi sinh Âu Lạc), Công ty Giống cây trồng Miền Nam, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Công ty Giống Thái Bình.

t36.jpg
Mô hình cánh đồng lớn tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: MH

Mô hình cánh đồng lớn với mục tiêu là tăng năng suất bình quân và tăng giá trị hạt gạo, canh tác lúa theo hướng thâm canh bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn và thân thiện với môi trường, tiêu thụ hết lúa hàng hóa và gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo nói riêng và các loại cây trồng khác trong những năm tới.

Mô hình cánh đồng lớn tại huyện Hòn Đất được đánh giá là mô hình kiểu mẫu điển hình của cả nước về cả quy mô cho đến tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao một cách toàn diện bởi: Mô hình đã được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất, từng bước được dịch vụ hóa tất cả các khâu trong sản xuất, từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ… Đồng thời, mô hình đã tăng cường liên kết bốn nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo. Đặc biệt là mô hình ứng dụng máy bay (Drone) phun thuốc, phân vi sinh do Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng đề xuất.

Để xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững tại ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu: Cần tập trung giảm giá thành đầu vào trong sản xuất bằng cách đưa công nghệ cao từ khâu giống, phân bón, đặc biệt lựa chọn phân bón thân thiện môi trường như công nghệ vi sinh, kỹ thuật canh tác (thay vì sạ phải cấy máy)…, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo thông qua việc lựa chọn giống phù hợp với thị hiếu của thị trường, chất lượng cao, sản xuất sạch, định hướng hữu cơ. Ngoài ra, để xây dựng mô hình trồng lúa kết hợp với du lịch sinh thái, biến nơi đây thành mô hình kiểu mẫu, Công ty Trung An phải phát triển cánh đồng lớn có diện tích lớn nhất cả nước, có diện tích trồng dừa xen canh lúa và vườn chim sinh thái trong cánh đồng lúa lớn nhất; hoàn thiện thêm về giao thông, thủy lợi nội đồng, nghiên cứu thêm công nghệ ứng dụng làm nông nghiệp sinh thái…

t37.jpg
Lựa chọn phân bón công nghệ vi sinh thân thiện môi trường cho cây trồng. Ảnh: MH

Đại diện Công ty Trung An cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc chuỗi, kịp thời báo cáo Bộ Quốc phòng trong việc cấp phép bay để thực hiện mô hình ứng dụng máy bay (Drone) phun thuốc, phân vi sinh, đồng thời đề xuất Nhà nước nghiên cứu cơ chế, chính sách bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để có tài chính thực hiện chuỗi. Tại đây, Công ty Trung An đã báo cáo Bộ trưởng về chuỗi lúa gạo 30.000ha ứng dụng công nghệ vi sinh Âu Lạc do Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn chỉ đạo thực hiện cùng Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Âu Lạc, Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng, đây sẽ là cơ sở, nền tảng cho một chuỗi giá trị lúa gạo phát triển bền vững tại ĐBSCL khi có mặt của đơn vị Quốc phòng. Thông qua chuỗi giá trị 30.000ha này sẽ thay đổi từng bước tập quán canh tác của người nông dân, chuyển từ canh tác hóa học sang hướng sản xuất ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh, phát triển nông nghiệp bền vững, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.

Ngọc Hoàng