Khởi sắc mùa chanh leo

Xã hội - Ngày đăng : 15:50, 30/08/2019

(TN&MT) - Cây ngô, cây lúa nương không còn là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế...

Thời gian gần đây, một loại cây trồng mới được một hộ gia đình nông dân xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đưa vào trồng thử nghiệm, bước đầu đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở huyện vùng cao Điện Biên Đông.

Cuối năm 2018, sau vài chuyến thăm quan mô hình trồng chanh leo của gia đình người bạn thân ở Tiểu khu 84-85, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chị Quàng Thị Liên, bản Nậm Ngám A, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm trồng chanh leo, bắt tay gây dựng mô hình chanh leo trên diện tích đất nương canh tác nhiều năm đã bạc màu của gia đình. Đến nay, sau 6 tháng trồng và chăm sóc, cây chanh leo đã bắt đầu cho thu quả.

qwq.jpg
Chị Quàng Thị Liên, bản Nậm Ngám A, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông chăm sóc vườn chanh leo.

Cầm trên tay những quả chanh leo chín mọng, chị Quàng Thị Liên phấn khởi nói: Mình là giáo viên sắp nghỉ hưu, sức khỏe vẫn còn tốt, mình muốn chứng minh cho nhân dân trong xã thấy, muốn thoát nghèo cần phải thay đổi tư duy canh tác lúa, ngô truyền thống, manh mún, năng xuất bấp bênh. Có trong tay gần 200 triệu đồng, mình đã đầu tư làm hệ thống giàn, máy bơm nước và giống, mình đã trồng thử nghiệm hơn 2,5ha giống chanh leo Mộc Châu. Thật bất ngờ trước thành quả sau hơn 6 tháng trồng và chăm sóc. Cây chanh leo sống rất khỏe, tỷ lệ ra quả đạt trên 90%.

Ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: Chanh leo là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, suất đầu tư ban đầu để trồng 1ha chanh leo từ 80 đến 100 triệu đồng gồm: Gống, giàn và hệ thống nước tưới (tùy theo điều kiện địa hình). Nếu địa hình thuận lợi về nguồn nước thì đầu tư ít hơn. Quan trọng phải cung cấp đủ nước tưới thì cây mới sinh trưởng tốt.

Bên cạnh đó, cũng cần tuân thủ các quy định về phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh đốm quả do ong châm sẽ cho năng xuất ổn định. Và đặc biệt phải thu hái bằng tay để đảm bảo giữ được mẫu mã. Chanh leo là loại cây ra quả quanh năm, do vậy năng suất và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Từ năm thứ 2 trở đi, cây chanh leo có thể đạt năng suất từ 30-50 tấn quả/năm/ha. Sau 3 năm tiến hành thu hái mới phải trồng lại gốc mới. Do vậy, cây chanh leo đang là cây trồng tiềm năng trên đất dốc”.

qwqew.jpg
Không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Được biết, hiện nay sản phẩm chanh leo của gia đình chị Liên bán tại vườn cho thương lái với giá bán trung bình là 15 nghìn đồng/kg. Như vậy, chỉ sau hơn nửa năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tại thời điểm chúng tôi có mặt, mô hình chanh leo của gia đình chị Liên đã cho thu hoạch hơn 5 tạ quả, giá trị kinh tế đạt trên 7,5 triệu đồng.

Chị Liên cho biết: Hiện nay đang là thời kỳ chính vụ, trung bình mỗi ngày vườn chanh leo cho thu 1 tạ quả. Theo nhận định, trong năm đầu này, hơn 2ha chanh leo của gia đình chị Liên sẽ cho thu hoạch khoảng trên 20 tấn ăn chắc, với sản lượng thu được như tính toán, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình chị Liên cũng thu về trên 100 triệu đồng. Mô hình thành công, gia đình dự kiến sẽ trồng thêm 2ha chanh leo. Đồng thời vận động, giúp đỡ nhân dân phát triển loại cây này.

Năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chị Liên đã không chỉ thành công tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Qua mô hình, tạo việc làm thời vụ cho trên 10 lao động nông nhàn tại địa phương, bằng việc tham gia làm cỏ, bón phân và tưới nước chăm sóc cho diện tích cây chanh leo.

Ông Mùa Chống Dính, Chủ tịch UBND xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên bày tỏ:Mô hình chanh leo là mô hình đầu tiên được nông dân trồng thử nghiệm trên địa bàn xã. Theo đánh giá bước đầu và thực tế thu hoạch của gia đình chị Liên, chúng tôi cũng rất phấn khởi, vì chanh leo là loại cây trồng chuyển đổi đầu tiên cho hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.

Hà Thuận - Trần Sơn