“Ứng xử” với rừng bằng nét đẹp văn hóa kết hợp tâm linh

Xã hội - Ngày đăng : 15:44, 13/09/2019

(TN&MT) - Với những người dân ở các buôn, bản, thôn, làng trên khắp đất nước Việt Nam có cuộc sống gắn bó với những cánh rừng, đó không chỉ là cây cối, muông thú mà còn là không gian thực hành văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần và sinh kế.

“Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”, vì lẽ đó họ ứng xử với rừng bằng các luật tục, tri thức bản địa gắn với tâm linh để vừa khai thác, vừa bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.

“Hương ước” – lá bùa giữ rừng

Sự hình thành những hương ước bảo vệ rừng ở các thôn, bản thể hiện ý thức cao của cộng đồng trong bảo vệ rừng. Hương ước được xây dựng dựa trên một số điều luật có liên quan của Nhà nước, như Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng… Đặc biệt, có sự quy định, lồng ghép ý thức, trách nhiệm của người dân địa phương đối với việc bảo vệ môi trường sống xung quanh nói chung và việc bảo vệ rừng trên địa bàn nói riêng.

anh-1(4).jpg
Phát huy tập quán bảo vệ rừng cấm, rừng thiêng

Điển hình trong việc xây dựng hương ước bảo vệ rừng là các dân tộc Tày, Nùng. Hương ước do trưởng bản và những người già trong bản chịu trách nhiệm và được nhắc nhở vào các dịp sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt vào dịp cúng Thó tỷ (Thổ địa) lúc đầu năm. Theo quan niệm của các dân tộc Tày, Nùng, Thỏ tỷ là vị thần bảo vệ cho cuộc sống của con người, bảo vệ mùa màng, gia súc và cây rừng ở một khu vực cư trú nhất định. Người ta xây dựng một cái miếu nhỏ dưới tán cây cối um tùm, bên trong chỉ đặt một ống hương để cúng Thỏ tỷ. Đây là nơi thiêng liêng, cấm mọi người không được chặt cây cối, lấy củi, không được chăn, thả gia súc. Theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, nếu ai vi phạm sẽ bị động thổ, nghĩa là cuộc sống của cư dân trong khu vực ấy sẽ không được bình yên.

Hay như người M’nông rất coi trọng việc quản lý lửa rừng trong mùa đốt rẫy. Họ hiểu rất rõ, mất rừng là hết nước, hết củi gỗ và mất đất để phát rẫy vào vụ sau. Vì vậy, luật tục M’nông đã có điều luật ngăn cấm việc đốt rẫy làm cháy lan sang rẫy khác. Người M’nông còn khuyến khích làm rẫy gần nhau thành một khu lớn để thú rừng không ăn nổi, sâu bọ phá không xuể.

Bảo vệ “rừng thiêng”

Theo quan niệm của người dân tộc Dao ở Tây Bắc, rừng thiêng là những khu rừng có những kiêng kỵ, cấm kỵ nhất định như: không được chặt cây, khai thác lâm sản, trăn thả gia súc, gia cầm; kiêng không đi vệ sinh bừa bãi trong rừng... Các khu rừng thiêng của người Dao thường nằm ở những nơi có địa hình thoáng đãng, gần nguồn nước, con suối, các khu trung tâm của làng với ý nghĩa để các vị thần linh, tổ tiên có thể bao quát, bảo vệ được tất cả các hộ gia đình trong làng.

Từ bao đời nay, những qui định bảo vệ rừng được cộng đồng người Dao đưa lên trở thành quyền lực của các vị thần linh để điều chỉnh ý thức, hành vi, các ứng xử của con người với rừng. Vai trò của rừng cấm, rừng thiêng trước hết là sự thống nhất về mặt tín ngưỡng của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng.

anh-2(4).jpg
Rừng thiêng Tây Bắc

Xuất phát từ quan niệm trên mà các khu rừng thiêng của người Dao thường có những kiêng kỵ như: rừng thiêng tại thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, họ kiêng không chặt cây, khai thác gỗ, khai thác măng và các sản vật trong khu rừng thiêng; kiên không vào khu rừng thiêng nếu không phải ngày làng tổ chức lễ cúng đặc bệt là đàn bà, con gái; kiêng không chăn thả trâu bò, gia súc trong khu rừng này; kiêng không làm những điều uế tạp, không sạch sẽ trong khu rừng, ngay cả khi gia đình làm nhà vệ sinh hoặc khi đi vệ sinh cũng không được hướng về khu rừng vì sợ các vị thần linh trừng phạt. Bởi vậy, đối với những khu rừng thiêng của người Dao có sức ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ đến các hành vi, các ứng xử của con người đối với rừng.

Trong giai đoạn hiện nay, khi diện tích rừng đang dần bị con người tàn phá, thu hẹp; việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của rừng cấm, rừng thiêng; duy trì các hương ước, qui ước, nghi lễ cúng rừng, tạo sự đoàn kết, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng ở vùng người người dân tộc thiểu số hết sức quan trọng. Đó chính là nét đẹp văn hóa gắn với tâm linh của các cộng đồng đã góp phần bảo tồn những di sản quý báu của dân tộc, đồng nghĩa với việc bảo vệ và phát triển rừng.

Tuyết Chinh