Đắk Nông – Tiềm năng phát triển điện mặt trời

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 14:32, 26/07/2019

(TN&MT) - Thời gian gần đây, nhiều người dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã mạnh dạn đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái. Đây là phương pháp mang lại lợi ích về cả kinh tế và môi trường.

Đắk Nông được đánh giá là địa phương đang có nhiều tiềm năng về phát triển điện mặt trời. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời của ngành Điện, việc đầu tư điện mặt trời áp mái đang hứa hẹn thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc triển khai đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, cùng với việc khuyến khích đầu tư, ngành Điện cũng rất quan tâm tới việc đơn giản hóa các thủ tục, kịp thời đấu nối, hòa lưới điện.

t25.jpg
Hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh: MH

Về thủ tục thanh toán sau bán điện, đối với các doanh nghiệp có đăng ký, phát hành được hóa đơn, hàng tháng sẽ ghi chỉ số. Sau đó giữa khách hàng và ngành Điện sẽ chốt chỉ số và tính ra sản lượng và trả tiền. Đối với người dân không phát hành được hóa đơn, hàng tháng, ngành Điện sẽ cùng với khách hàng chốt chỉ số công tơ, cuối năm sẽ tổng kết, chi trả và sẽ nộp thuế theo quy định là 2%...

Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Điện lực Đắk Mil cho biết, đầu tư năng lượng mặt trời áp mái đối với các hộ gia đình thì giá thành ban đầu hơi cao. Chỉ 1kW tương đương với gần 20 triệu đồng. Tuy vậy, lợi nhuận mang lại khá cao và hoàn vốn nhanh so với các nguồn năng lượng khác. Nếu nguồn điện dư thừa thì ngành Điện sẽ mua lại. Mặt khác, môi trường của hệ thống này lại rất sạch, không ô nhiễm và không ảnh hưởng đến xung quanh.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều khách hàng đã đầu tư điện mặt trời áp mái. Trong đó, có gần 10 công trình của các hộ gia đình, với công suất từ 3kW đến 10kW và 6 công trình của các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư tại các trang trại, với công suất gần 1MW. Trong đó, tất cả các công trình đầu tư đã được ngành Điện khảo sát, thỏa thuận đấu nối và cam kết mua điện với giá 9,35 cen tương đương với 2.134 đồng/kWh (chưa tính thuế giá trị gia tăng) và áp dụng trong 20 năm đối với các công trình đóng điện trước ngày 30/6/2019. Những công trình đưa vào sử dụng từ tháng 7/2019 trở đi thì áp dụng theo giá mà chính sách mới của Chính phủ sẽ ban hành sắp tới.

Cũng theo lãnh đạo ngành Điện huyện Đắk Mil, chi phí đầu tư, bảo dưỡng, bảo trì hàng năm đối với điện mặt trời áp mái rất thấp. Ngoài ra, khách hàng chủ động được nguồn điện tiêu thụ cho gia đình, không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia. Khi khách hàng lắp đặt xong, nếu có nhu cầu bán điện lên lưới thì ngành Điện sẽ hỗ trợ hết mức. Theo đó, chỉ trong vòng 4 ngày là có thể bán điện được. Cụ thể: 1 ngày đi khảo sát, 1 ngày kiểm tra kỹ thuật, 1 ngày nghiệm thu và 1 ngày ký hợp đồng mua bán điện, lắp hệ thống đo đếm…

Phương Linh