Mặt trận Tổ quốc huyện Điện Biên (Điện Biên): Mô hình tự quản bảo vệ môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 14:21, 09/08/2019
Sau 5 năm thực hiện, việc xây dựng các mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường, nâng cáo chất lượng cuộc sống, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Ông Tòng Văn Thỉnh, Trưởng bản Hạ, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, cho biết: “Trước đây trong bản có nhiều hộ gia đình chăn nuôi, song lại chưa quan tâm đến môi trường. Nên các, nước thải từ chuồng trại không được xử lý kịp thời, hợp vệ sinh mà người dân xả thải trược tiếp ra đường làng, hệ thống rãnh thoát nước của bản, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của những hộ xung quanh.
Từ khi được Ủy ban MTTQ tỉnh chọn thực hiện điểm Mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Chúng tôi duy trì hàng tuần thành viên đội tự quản, không chỉ tham gia vệ sinh môi trường làng bản mà còn tích cực vận động bà con nhân dân vệ sinh sạch sẽ xung quanh khu và nhà ở….
Giao cho Ban công tác Mặt trận bản Hạ, thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt việc phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt, phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi cũng như khắc phục các thói quen sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường.
Lồng ghép nội dung xây dựng khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường trong các buổi họp dân, sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể nhằm vận động người dân, hội viên tích cực tham gia, thực hiện.
Ngay năm đầu tiên triển khai, 100% các hộ gia đình trong bản Hạ đều tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường với các nội dung như: Mỗi hộ gia đình đều phải có vật dụng chứa rác thải, chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm trước khi đưa đến nơi xử lý; không vứt rác bừa bãi ra đường; bảo đảm an toàn, vệ sinh khu vực công cộng, không phóng uế, vứt xác động vật bừa bãi, không chặt phá cây xanh, thả rông gia súc, gia cầm.
Từ hiệu quả ở bản Hạ, xã Thanh Nưa đã nhân rộng mô hình này tại 100% thôn, bản trên địa bàn xã. Từ chỗ chưa có tổ thu gom rác thải, hiện 100% các thôn đều thành lập tổ thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Ý thức của người dân trên địa bàn trong việc giữ gìn môi trường sống trong sạch được nâng lên. Hàng tháng, người dân trong các thôn, bản đều cùng nhau làm sạch đường làng, ngõ xóm.
Có thể nói, mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường của bản Hạ, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên có ý nghĩa thiết thực, nhất là với địa bàn nông thôn, nơi phần lớn người dân chưa có nhận thức cao về công tác vệ sinh môi trường công cộng.
Mô hình này cần được nhân rộng trong thời gian tới ở nhiều địa phương. Góp phần từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 17 về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở nông thôn.