Ứng phó biến đổi khí hậu tại Lai Châu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:20, 09/08/2019
Trước những thiệt hại từ thiên tai, Lai Châu cần có những giải pháp ứng phó cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Trên 60 người chết, mất tích, 25 người bị thương, giá trị tài sản của người dân bị ảnh hưởng do lũ lên tới 640 tỷ đồng là tình trạng đáng báo động do mưa lũ từ năm 2017 đến nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu và có thể chưa dừng lại bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động trực tiếp và ngày càng gia tăng mức độ thiệt hại.
Lai Châu là tỉnh miền núi, nền nhiệt trung bình thấp, vào mùa đông, các đợt rét đậm, rét hại, sương muối gây hại đến sức khỏe, đời sống lao động sản xuất của người dân và tàn phá nặng nề cho lĩnh vực chăn nuôi. Quy luật diễn biến thời tiết các mùa trong năm có sự xáo trộn, không thể dự báo chính xác tình hình, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
Nguyên nhân được Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan tham mưu cho tỉnh thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH mà Việt Nam là thành viên trên địa bàn tỉnh) xác định là do đặc điểm địa hình khu vực người dân sinh sống ở các triền, thung lũng hẹp - những nơi dễ bị tác động của lũ quét, sạt lở đất khi có hiện tượng thời tiết cực đoan. Cùng với đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết; việc áp dụng tiến bộ khoa học trong canh tác nông nghiệp hạn chế, dựa nhiều vào kinh nghiệm, dễ bị ảnh hưởng dưới tác động của BĐKH.
Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân trước những tác động tiêu cực của BĐKH, tỉnh Lai Châu đã thực hiện di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng ảnh hưởng thiên tai. Hiện tại, tỉnh Lai Châu đã sơ tán, di chuyển hộ dân và công nhân ở lán công trình thủy điện ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tổ chức theo dõi sát sao các hộ dân để kịp thời ứng phó ngay khi có nguy cơ xảy ra sạt lở. Tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương khắc phục, nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt; hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, cấp vật tư, vật liệu hỗ trợ tu sửa cho các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở và tài sản.
Theo báo cáo của tỉnh Lai Châu về đánh giá kết quả thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH mà Việt Nam là thành viên cũng nhận định: Trong 10 năm (2009 – 2019), Lai Châu từng bước thực hiện mô hình tăng trưởng hướng tới việc giảm lượng khí thải nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm, giảm chất thải, sử dụng tài nguyên hiệu quả. Đặc biệt là phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường như: mô hình rau thủy canh, rau sạch trên địa bàn thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ… Từng bước tái cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng chế biến sâu các sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa.
Lai Châu cũng đã thực hiện Đề án tái cơ cầu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Chủ động lồng ghép mục tiêu ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các dự án phát triển kinh tế của tỉnh. Từng bước đầu tư hệ thống đê, kè, cống thoát lũ, công trình thủy lợi, hồ, đập chứa nước, mạng lưới giao thông đường bộ; gia cố, cải tạo, nâng cấp đảm bảo an toàn công trình trước, trong và sau mùa mưa lũ…
Tuy nhiên, nếu so những giải pháp trên với sự biến đổi không ngừng và loạn nhịp của tình hình khí hậu như hiện nay, Lai Châu vẫn cần phải xây dựng những giải pháp, kế hoạch chi tiết và mang tính chiến lược lâu dài mới có thể góp phần giảm những thiệt hại do BĐKH gây ra trong tương lai.
Ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Về giải pháp lâu dài, tỉnh xác định, các cấp, ngành phải thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị để chủ động ứng phó với BĐKH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tập huấn, hội thảo, mít tinh, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành trong hoạch định chính sách và cơ chế điều phối, sự tham gia rộng rãi của doanh nghiệp và cộng đồng trong thực hiện hoạt động ứng phó với BĐKH.