Kinh nghiệm để không còn hộ nghèo từ huyện Xuyên Mộc

Môi trường - Ngày đăng : 16:18, 29/03/2023

Theo báo cáo của UBMTTQ huyện Xuyên Mộc, hiện hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã được hướng dẫn kỹ thuật, vay vốn sản xuất, hình thành nhiều mô hình giúp nhau làm kinh tế, từng bước thoát nghèo và ổn định đời sống. Thu nhập bình quân tại các xã nông thôn mới đạt 61 triệu đồng/người/năm.

a-1-chuyen-doi-cay-trong-thich-nghi-voi-khi-hau.jpg
Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với loại đất, khí hậu, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chủ động tiếp nhận chính sách  

Xuyên Mộc là huyện thuần nông ven biển, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Những năm qua, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo, đời sống của người dân huyện Xuyên Mộc được cải thiện rõ rệt. Người dân đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chính bản thân và chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, huyện Xuyên Mộc đã và đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân. Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc; 100% số xã đạt tiêu chí “xây dựng cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn”; tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; … Kinh tế hằng năm của huyện có tốc độ tăng trưởng khá, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Tính đến nay, huyện Xuyên Mộc không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia…

Có được thành tích đó, là do Xuyên Mộc đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của tổ chức, cá nhân góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, mục tiêu giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong công tác triển khai các chủ chương, chính sách, huyện Xuyên Mộc luôn sáng tạo trong các mô hình xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Phát huy các mô hình giúp nhau làm kinh tế

Để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được và đảm bảo không tái nghèo, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội quyết tâm duy trì và thúc đẩy các mô hình đã từng phát huy hiệu quả trong phòng trào xóa đói giảm nghèo của địa phương như: Mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm giảm nghèo” của Hội LHPN huyện. Mô hình này đã duy trì với gần 24 tỷ đồng giúp cho 5.417 lượt hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế;

Mô hình “Chuyển giao, hỗ trợ phương tiện, máy móc, thiết bị, vật dụng gia đình cho phụ nữ nghèo” đã giúp đỡ gần 600.000 vật dụng gia đình cho hội viên nghèo;

 Mô hình “Ngôi nhà 200 đồng” hướng đến mục đích bảo vệ môi trường của Chi hội phụ nữ. Thực hiện mô hình này, hội viên tự phân loại rác và mang chai nhựa, vỏ lon, bìa cứng, giấy vụn… của gia đình mang đến tập kết tại các điểm đặt “Ngôi nhà 200 đồng”, vào cuối mỗi tháng, hội viên cùng nhau thu gom bán lấy tiền gây quỹ hỗ trợ cho hội viên nghèo.

Thực hiện phong trào “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ phong trào này, Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc đã mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt để giúp người dân thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình, sau khi tham gia lớp tập huấn đã mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư như: Chủ động trong khai thác lợi thế đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với loại đất, khí hậu, cùng với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh và tìm kiếm thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Triển khai Quỹ “Vì người nghèo”. Quỹ do MTTQ triển khai, kêu gọi. Mục tiêu sử dụng Quỹ giúp người dân “an cư, lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống. Việc đóng góp vào Quỹ được MTTQ các cấp trong huyện kêu gọi cơ quan, đơn vị, DN, tổ chức tôn giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người dân đóng góp. Từ số tiền vận động được, MTTQ các cấp xây mới, sửa chữa nhà “Đại đoàn kết” giúp người nghèo an cư lạc nghiệp.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã vận động xây dựng Quỹ với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng; xây dựng 13 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; tặng 12.758 suất quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng giá trị gần 5,6 tỷ đồng, trao 350 suất học bổng cho học sinh nghèo với tổng số tiền 350 triệu đồng.

a-2-danh-quy-dat-phat-trien-nn-cong-nghe-cao.jpg
Dành nhiều quỹ đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vữ

Tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống cho người dân

Xuất phát từ mục tiêu quan trọng của công tác xóa đói, giảm nghèo, đó là bảo đảm an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân. Vì vậy, để duy trì được các kết quả đã đạt được và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Xuyên Mộc cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, cần chú trọng triển khai một số giải pháp thiết thực sau:

Tiếp tục thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, giao cho các xã xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch giảm nghèo cụ thể và phân công cán bộ phụ trách; Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, vận động nhân dân giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế gia đình; Tổ chức lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội với chương trình giảm nghèo bền vững; Gắn công tác đào tạo nghề với việc tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm để lao động sau đào tạo nghề có việc làm ổn định…

Thông tin từ bà Lê Thị Trang Đài – Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc: “Đầu năm 2016, huyện Xuyên Mộc có 5.309 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 14,85%; đến cuối năm 2020 giảm còn 790 hộ nghèo, chiếm 1,98% (bình quân giảm 2,57%/năm). Đến cuối 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Xuyên Mộc còn 0,35%, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới hiện nay đạt 61 triệu đồng/người/năm; Hiện huyện Xuyên Mộc không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia”.

Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, trong đó, ưu tiên bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, tăng thu nhập; 100% lao động nghèo có nhu cầu được đào tạo nghề.

Tập trung ưu tiên dành nhiều quỹ đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đưa ngành nông nghiệp của huyện phát triển bền vững, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, trong đó, tập trung tuyên truyền về tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực trong lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo của người dân qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững.



Linh Nga