Hà Tĩnh: Nhiều mô hình sáng tạo phát triển kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 15:54, 29/03/2023
Nằm trải dài trên 42 km đường biên giới, giáp với nước bạn Lào, năm 2000, huyện Vũ Quang được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa của 3 huyện: Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ. “Ra riêng” trong bối cảnh là huyện khó khăn nhất tỉnh; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tự cung, tự cấp; kết cấu hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí thấp, đội ngũ cán bộ yếu và thiếu...
Bước vào triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2010, bình quân mỗi xã ở Vũ Quang chỉ được 2,1 trong bộ 19 tiêu chí NTM. Trong khi đó, điều kiện về đất đai chủ yếu là đồi núi cách trở, trình độ sản xuất và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thấp. Đề ra mục tiêu về đích NTM với Vũ Quang đã có nhiều ý kiến cho đó là suy nghĩ viển vông, khó mà đạt được.
Cái khó chồng chất cái khó, kinh phí hạn hẹp, tập quán lạc hậu tồn tại từ lâu đời nên để thay đổi được ngay còn khó hơn cả lên trời. Có thể kể như việc, người dân chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, làm sao thuyết phục được người dân chăn nuôi tách biệt với khu sinh hoạt... là việc không hề dễ.
Những bộn bề khó khăn ấy lại chính động lực thôi thúc những con người nơi đây đồng lòng biến khó khăn thành lợi thế. Phương châm “lấy sức dân để làm lợi cho dân” được cấp ủy, chính quyền chọn lựa đã thôi thúc nghị lực vượt qua cái khó, cái nghèo của gần 29 nghìn dân. Khi đã hiểu rõ quyền lợi được hưởng, người dân đã bảo nhau thực hiện trách nhiệm trong việc chung sức chung lòng.
Trước đây cuộc sống của gia đình anh Đoàn Quốc Hoài, chị Cao Thị Luân ở thôn 1 xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng bằng tinh thần lao động, sáng tạo và được thụ hưởng các chính sách xây dựng mô hình nông thôn mới, gia đình anh Hoài đã tập trung trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
Anh Hoài vui mừng cho biết: Sau khi thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hoài Luân, anh đã quy hoạch đất đồi để trồng gần 2.000 cây cam chanh, cam bù, bưởi Phúc Trạch. Ngoài ra còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật.. bình quân mỗi năm thu nhập từ kinh tế vườn đồi, vườn rừng đã mang về cho gia đình anh trên 500 triệu đồng.
“Bên cạnh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao (cam Hoài Luân), hiện nay tôi đã kết nối nhiều hộ gia đình thành lập tổ Vietgap để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch (chủ yếu là cam chanh, cam bù). Cùng với đó, tôi đang tập trung chuyển đổi sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”. Anh Đoàn Quốc Hoài cho biết thêm.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, kết hợp với cách làm sáng tạo của người dân đã tạo nên diện mạo mới cho huyện Vũ Quang. Theo thống kê của UBND huyện, đến nay đã huyện xây dựng được 1.845 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 65 doanh nghiệp, 53 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39, 97 triệu đồng/người/năm.
Từ những mô hình đi trước, việc nhân rộng ra trên địa bàn không còn là việc khó. Ông Nguyễn Văn Hưng - Thôn trưởng Thôn 5, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang, phấn khởi cho rằng: Giờ đây phong trào xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của nhân dân. Mọi người đều nhận thức, xây dựng nông thôn mới do người dân là chủ thể, tự làm và hưởng thụ.
Bên cạnh đó, tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM ở Vũ Quang là vấn đề môi trường đến nay cũng đã được hoàn thiện. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho biết: “Vũ Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường cùng song hành với các tiêu chí khác. Trăn trở, tìm cho mình hướng đi thích hợp từ việc hình thành những mô hình mẫu, sau đó nhân rộng trên toàn huyện nên những khó khăn, thử thách nhanh chóng được tháo gỡ”.
Thực hiện Chương trình Xây dựng NTM, công tác bảo vệ môi trường ở Vũ Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 100% xã đã hoàn thành tiêu chí môi trường, kết quả mà ngay cả những người trong cuộc khi mới bắt tay xây dựng cũng không dám nghĩ tới.
Với những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân ở huyện Vũ Quang đã có những chuyển biến rõ nét, những thành quả đạt được đã được ghi nhận và trở thành huyện biên giới đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020.