Gỡ vướng trong triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào DTTS&MN

Đất đai - Ngày đăng : 15:51, 29/03/2023

(TN&MT) – Những năm qua, Sơn La đã đẩy mạnh rà soát, bố trí quỹ đất để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, góp phần từng bước nâng cao chất lượng sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững. Liên quan đến vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dương – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La.
4cc859e973b0afeef6a1.jpg

Ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La.

PV: Xin ông cho biết kết quả công tác hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu đất trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Nguyễn Tiến Dương:

Với hơn 1,2 triệu dân, 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỉnh Sơn La đã triển khai rà soát quỹ đất để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân theo các chương trình 135, 30a, định canh định cư, Quyết định 755/QĐ-TTg, 2085/QĐ-TTg…

Giai đoạn 2008-2016, đã xây dựng 15 điểm định canh định cư tập trung ổn định cho 714 hộ dân; vận động di chuyển và ổn định đời sống cho 245 hộ theo hình thức định canh định cư xen ghép. Hỗ trợ đất sản xuất được 696 ha cho 1.248 hộ; hỗ trợ máy móc, nông cụ cho hơn 7.700hộ; hỗ trợ nước phân tán cho hơn 9.200 hộ... Giai đoạn 2016-2020 đã giao đất cho 1.290 hộ, với hơn 42ha đất ở và hơn 44ha đất sản xuất.

Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I: 2021-2025, Sơn La tiếp tục đề ra mục tiêu hỗ trợ đất ở cho 1.705 hộ; nhà ở cho 660 hộ; đất sản xuất cho 1.339 hộ; chuyển đổi nghề 14.987 hộ; nước sinh hoạt phân tán 15.404 hộ trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

Đồng thời, thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư tại 17 điểm định canh định cư tập trung với 960 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn 8 huyện.

a1(2).jpg

Quan tâm bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn.

PV: Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, Sở TN&MT đã triển khai hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dương:

Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, cuối năm 2022, Sở TN&MT đã ban hành Hướng dẫn số 335 để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Trong nội dung Hướng dẫn, đã quy định rõ đối tượng, hạn mức hỗ trợ, nội dung thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với các hộ đồng bào DTTS nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ người dân tộc Kinh nghèo sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi đang thiếu đất ở, đất sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở hướng dẫn của Sở TN&MT, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng. Rà soát, cập nhật bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm làm căn cứ chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng. Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì, kiểm tra, giám sát việc giao đất ở, đất sản xuất cho hộ gia đình theo đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.

anh-2(3).jpg

Những năm qua, Sơn La đã đẩy mạnh rà soát, bố trí quỹ đất để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS thiếu đất.

PV: Theo ông, trong quá trình triển khai, chúng ta còn đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào?

Ông Nguyễn Tiến Dương:

Kể từ khi Hướng dẫn 335 được ban hành, thực tiễn triển khai tại nhiều huyện, thành phố còn một số hạn chế. Hiện nay, một số huyện đề nghị Sở TN&MT quy định cụ thể "định mức giao đất ở" , "định mức thiếu đất sản xuất", "diện tích tối thiểu theo từng nhân khẩu trong hộ gia đình" hoặc "định mức đất sản xuất trên một nhân khẩu".

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 5 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh “căn cứ quỹ đất, hạn mức giao đất ở xem xét ban hành các quy định cụ thể làm cơ sở giao đất ở để làm nhà ở cho các hộ đảm bảo phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương và phù hợp với pháp luật về đất đai”. Song, nội dung này, tỉnh Sơn La đã ban hành quy định hạn mức giao đất ở trên địa bàn tỉnh tại Điều 4, 5 Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 17/11/2021, theo quy định pháp luật Đất đai.

Về định mức thiếu đất sản xuất, Điều 129 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp cho mỗi hộ gia đình, cá nhân, theo đó đã quy định về hạn mức giao đất với từng loại đất thuộc nhóm đất sản xuất nông nghiệp.

Khoản 1 Điều 9, Khoản 6 Điều 2 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, quy định: Hộ thiếu đất sản xuất là hộ thiếu trên 50% diện tích đất sản xuất theo định mức quy định của địa phương. Tuy nhiên, Thông tư số 02 không phân cấp cho địa phương quy định cụ thể định mức thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Dẫn đến Sở TN&MT không có cơ sở để tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức thiếu đất sản xuất.

Ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg quy định về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Điều 3 của Quyết định quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, Điều 4 quy định mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó quy định cụ thể các trường hợp: Mức hỗ trợ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép; mức hỗ trợ để xây dựng căn nhà theo phong tục tập quán địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); mức hỗ trợ để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất có khả năng sản xuất. Như vậy, Quyết định 04 chưa giải quyết được vướng mắc trong việc xác định đối tượng thiếu đất sản xuất làm căn cứ hỗ trợ.

anh-3.jpg

Đẩy mạnh cấp GCNQSDĐ cho đồng bào, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

PV: Để công tác hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, Sở TN&MT đã và đang có giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên?

Ông Nguyễn Tiến Dương:

Để triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Sở TN&MT đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai Hướng dẫn số 335; đã ban hành đề nghị UBND các huyện, thành phố căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, nghiên cứu đề xuất định mức đất sản xuất cho hộ gia đình (hoặc định mức đất sản xuất cho một nhân khẩu trong một gia đình), gửi về Sở TN&MT tổng hợp.

Đồng thời, đề nghị Ban Dân tộc tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét bổ sung quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT về hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719, trong đó đề nghị quy định rõ định mức đất ở, đất sản xuất nông nghiệp làm căn cứ xác định đối tượng thiếu đất hoặc bổ sung nội dung giao cho UBND các tỉnh quy định cụ thể về định mức.

Ban hành Công văn đề nghị Sở Tư pháp cho ý kiến với nội dung: "Về định mức thiếu đất sản xuất, Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc không phân cấp cho địa phương quy định cụ thể định mức thiếu đất sản xuất nông nghiệp, thì UBND tỉnh có phải ban hành quyết định quy định không?... Trường hợp, có căn cứ ban hành quy định, đề nghị Sở Tư pháp cho ý kiến về việc ban hành quy định theo hình thức ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật?

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Nga (thực hiện)