Giải pháp sử dụng đất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Nam Định
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:51, 28/03/2023
Nghiên cứu đặt vấn đề về thiệt hại kinh tế của nước biển dâng do biến đổi khí hậu đến khu vực nuôi tôm kề đất lúa tại Giao Thịnh, Giao Thủy; Rừng ngập mặn bị suy giảm tại Giao Lạc, Giao Thủy; Một số đầm nuôi thủy sản tại Nghĩa Phúc, Nghĩa Hưng và Cống Tài lấy nước tự động tại Xuân Tân, Xuân Trường. Trong đó, diện tích đất trồng lúa ở trong và ngoài đê tại các khu vực trên có nguy cơ bị ảnh hưởng do tác động của nước biển dâng (2020 – 2050).
Bằng các phương pháp nghiên cứu, PGS. TS Hà Phong đã chỉ ra từ năm 2030, 2040 và 2050 tổng thiệt hại ở các huyện gia tăng lần lượt là 1,1%, 1,8 và 2,5% tổng GDP của địa phương. Trong đó, Giao Thủy là huyện bị thiệt hại nặng nhất vào năm 2030, giá trị thiệt hại tăng 103,2% so với năm 2020, đến năm 2040 giá trị thiệt hại tăng 53% so với năm 2030, năm 2050 giá trị thiệt hại ở huyện lên đến 343.879,7 triệu đồng (tăng 52,3%) so với năm 2040. Ngoài ra, các đối tượng bị tác động nhiều là khu vực ngoài đê, đất rừng ngập mặn, khu vực trong đê thiệt hại chủ yếu là chi phí đầu tư để nâng cấp đê và diện tích trồng lúa.
Qua đó, PGS. TS Hà Phong đã đưa ra các đề xuất, bằng cách xây dựng Bản đồ tác động do Nước biển dâng, lồng ghép, tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng với quy hoạch sử dụng đất để quản lý, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo cách chuyển dịch cơ cấu đất nông nghiệp tại các huyện, từ đó đảm bảo diện tích lúa ở huyện Nghĩa Hưng là 8599,4ha, huyện Hải Hậu với 8014,4ha, huyện Giao Thủy là 46.561,0 ha và huyện Xuân Trường là 4.6008,8 ha. Đồng thời, giám sát việc thực hiện quy hoạch hàng năm nhằm hạn chế việc chuyển đổi tự phát tại một số địa phương để có thể thúc đẩy quá trình xâm nhập mặn và nhiễm mặn vào nội đồng nhanh hơn. Cần phân bổ, xác định ranh giới, cắm mốc, giao cho Ban quản lý rừng và UBND xã trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý.
Bên cạnh đó, cần tính toán thiệt hại, bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong bối cảnh nước biển dâng do BĐKH bằng cách sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi mô hình nuôi quảng canh cải tiến tôm cá đan xen; Sử dụng đất trồng lúa để áp dụng cho chuyển đổi thời vụ gieo trồng phù hợp; Sử dụng đất rừng ngập mặn với quy hoạch hợp lý; Điều tra khảo sát thực tế để nâng cấp đê và hệ thống công trình thủy nông tại Hải Hậu để đảm bảo cao trình thích hợp trong điều kiện nước biển dâng theo các kịch bản đã xây dựng, đồng thời tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ phù hợp với thực trạng nhằm nâng cao khả năng tự thích ứng cho cộng đồng với hiệu quả công tác điều tra, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nội dung ứng phó với BĐKH.
Kết quả khảo sát cho thấy, 86% cộng đồng được tham vấn có ý kiến là đã biết tới tác động của BĐKH, nước biển dâng và có chủ động “làm giảm các tác động của BĐKH, nước biển dâng” như trong hoạt động nông nghiệp và trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Có thể thấy, nghiên cứu đã xây dựng được bộ dữ liệu cho việc đánh giá thiệt hại kinh tế của nước biển dâng do BĐKH tại khu vực ven biển tỉnh Nam Định gồm: Cơ sở dữ liệu về kịch bản BĐKH, nước biển dâng; số liệu về sử dụng đất nông nghiệp...; Hệ thống bản đồ nguy cơ ngập và bản đồ tác động của nước biển dâng đến sử dụng đất nông nghiệp; Bảng số liệu về diện tích nguy cơ ngập được phân tách thành 2 khu vực trong và ngoài đê ở 4 huyện dao động từ 1,3-10,7% diện tích tự nhiên của các huyện, trong đó huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng có diện tích đất trồng lúa bị tác động do NBD nhiều nhất vào năm 2050 khoảng 25%.
Qua đó, cách tiếp cận và quy trình tổng hợp đánh giá thiệt hại kinh tế do nước biển dâng đến các loại đất nông nghiệp trong nghiên cứu có thể áp dụng, phục vụ cho các địa phương có điều kiện tương đồng với Nam Định và có thể hỗ trợ chính quyền địa phương, các đơn vị tư vấn bảo hiểm ra quyết định về sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp có tính đến yếu tố BĐKH.