Việt Nam chung tay hành động chấm dứt bệnh lao

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:20, 28/03/2023

Vừa qua, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức Chương trình chống lao Quốc gia đã tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao. Chống lao năm 2023 với chủ đề "Việt Nam chiến thắng bệnh lao".

Dự Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao có đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

l1.jpg
Dự Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao có đồng chí Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu

Ngày Thế giới phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Năm 2023 là một năm rất quan trọng để chúng ta cùng vào cuộc, đây được coi là “năm của hy vọng” để nhận được sự chung tay, tập hợp sức mạnh của toàn cầu trong tiến trình thanh toán bệnh lao. Chủ đề lạc quan này mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dù đạt được nhiều thành tựu trong công tác chống lao, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

l3.jpg
Đồng chí Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ kỷ niệm

Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung, hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo, tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, ~ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc, chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của gần 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây. Cụ thể, số lượng bệnh nhân tử vong do lao trong năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.

ll4.png
Ông Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia.

Theo TS.BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia nêu rõ, đại dịch Covid-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ, hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới, số lượng tử vong do bệnh lao đã tăng lên trong hai năm liên tiếp và lần đầu tiên ước tính số lượng người mới mắc bệnh lao hàng năm cũng đã tăng lên sau hơn một thập kỷ.

Ông Đinh Văn Lượng thông tin, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới. Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

ll.png
Các đại biểu tham dự kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2023

“Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân Chương trình chống lao phải đánh giá lại các mục tiêu của chương trình, thực hiện cập nhật Kế hoạch chiến lược phòng chống lao Quốc gia, và đề xuất điều chỉnh lộ trình chấm dứt bệnh lao vào năm 2035” ông Đinh Văn Lượng chia sẻ và khẳng định việc hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao 24/3 thể hiện và lan tỏa cam kết mạnh mẽ đối với các hoạt động phòng chống lao, thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ, của ngành y tế, của toàn xã hội đối với Chương trình chống lao, là nguồn động viên rất lớn đối với Chương trình chống lao trên toàn quốc vì một mục tiêu chung Chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Bảo Bảo