Nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp: Cần có các quy định đồng bộ tại 3 Dự thảo Luật

Đất đai - Ngày đăng : 11:16, 28/03/2023

(TN&MT) - Nhiều ý kiến đánh giá quy định về nhà ở xã hội (NƠXH) trong các Dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) có liên quan chặt chẽ với nhau và tác động rất lớn đến thị trường BĐS, NƠXH.

Về vấn đề nhà ở công nhân tại khu công nghiệp (KCN), cần có các quy định tạo điều kiện cho công nhân để họ có thể được mua, thuê nhà…

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, hiện cả nước có gần 18 triệu công nhân lao động, tuy nhiên mới có khoảng 20% trong số này được đáp ứng nhu cầu về nhà ở.

Việc chưa có chỗ ở ổn định dễ dẫn đến dịch chuyển lao động trong công nhân lao động, nhiều công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà trọ xuống cấp. Bên cạnh đó, do điều kiện sống không đảm bảo, nhiều công nhân lao động phải gửi con về quê nhờ người thân trông giúp, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực.

Vấn đề nhà ở cho công nhân là một trong những vấn đề bức xúc của người lao động, là vấn đề quan tâm của Chính phủ. Người lao động mong muốn có chính sách đất đai phù hợp, có hành lang pháp lý thuận lợi để họ có cơ hội có được nhà ở (có thể là được thuê hợp pháp với giá phù hợp; được mua với giá phù hợp).

nha-o-cong-nhan.jpg
Người lao động mong muốn có chính sách đất đai phù hợp, có hành lang pháp lý thuận lợi để người lao động có cơ hội có được nhà ở.

TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có liên quan chặt chẽ với nhau và tác động rất lớn đến thị trường BĐS, NƠXH. “Vì thế, việc lấy ý kiến nhân dân và sửa đổi các Luật trên cùng lúc được kỳ vọng sẽ giải quyết tất cả các lợi ích chung của xã hội, chứ không phải là xây dựng từng đạo luật để làm công cụ quản lý của Nhà nước đối với từng chuyên ngành cũng như tạo cơ sở cho từng ngành dễ quản lý”, ông Tuyến nói.

Tuy vậy, qua nghiên cứu, ông Tuyến cho rằng, giữa 3 Dự thảo Luật trên vẫn còn những điểm chưa tích hợp, chưa liên kết được với nhau. Trong số đó, vấn đề quy hoạch đất đai để xây dựng NƠXH cho công nhân lao động trong KCN, những người làm công ăn lương còn “rất mờ nhạt.”

Ví dụ, trong Dự thảo Luật Nhà ở đã có hẳn 1 chương đề cập về NƠXH, nhưng Luật Đất đai quy định về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất còn chung chung; chưa cụ thể quy hoạch đất trong các KCN nhưng lại yêu cầu dành một phần đất để xây nhà ở cho công nhân.

Do đó, Dự thảo Luật Đất đai cần quy định rõ về quy hoạch để xây dựng các cơ sở hạ tầng, về việc tiếp cận đất đai để xây dựng NƠXH cho công nhân trong các KCN; không nên đặt vấn đề đấu thầu dự án có sử dụng đất mà nên có quy định tiếp cận đất đai bằng cách Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Về hình thức tiếp cận nhà ở cho công nhân, TS. Nguyễn Quang Tuyến đề xuất ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét, cân nhắc đến phương án để công nhân lao động có thể thuê với giá ưu đãi.

Đồng quan điểm này, TS Đinh Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, quy hoạch sử dụng đất KCN phải có tiêu chí về quỹ đất xây NƠXH dành cho công nhân. Trong xây dựng NƠXH, nếu lựa chọn chủ đầu tư qua hình thức đầu thầu sẽ rất khó, TS Hoa đề xuất giao đất dưới hình thức chỉ định chủ đầu tư có thể là Ban quản lý các KCN, chủ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Hải Yến - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, đề xuất của UBND huyện Đông Anh là không bố trí NƠXH phân tán tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, nhà ở thương mại. Thay vào đó, quy hoạch sử dụng đất cần bố trí đất NƠXH tập trung gần KCN, cụm công nghiệp - nơi có nhu cầu thực tế cao. “Cùng với điều chỉnh bổ sung quy định về NƠXH trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề này cũng cần được bổ sung, nghiên cứu tại Luật Nhà ở, để đảm bảo yếu tố đồng bộ, tránh chồng chéo các quy định,” bà Yến nói thêm.

Thúy Nhi