Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Nhìn từ kinh nghiệm Bắc Âu

Kinh tế - Ngày đăng : 11:16, 28/03/2023

(TN&MT) - Cùng với đề cao các giải pháp về cơ chế chính sách, mô hình hợp tác công tư và giải pháp đồng xử lý được đặt ra tại sự kiện Ngày Bắc Âu 2023 với chủ đề "Giải pháp xanh cho kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải: Bài học kinh nghiệm của Bắc Âu và đề xuất chính sách đối với Việt Nam" do đại sứ quán các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Chính sách là tiền đề phát triển kinh tế tuần hoàn 

Tại khu vực Bắc Âu, hiện nay, các nước đã triển khai nhiều chính sách và sáng kiến để thúc đẩy phát triển bền vững. Đan Mạch đã thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh, tập trung vào việc giảm 70% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990 và tiến tới mức phát thải ròng bằng “0” vào muộn nhất là năm 2050.

Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng lộ trình quốc gia tiến tới nền kinh tế tuần hoàn (2016 - 2025) nhằm mục đích giảm phát sinh chất thải và thúc đẩy việc tái sử dụng nguyên vật liệu. Theo ông Tim Forslund - chuyên gia về kinh tế tuần hoàn của Quỹ đổi mới sáng tạo Phần Lan Sitra, lộ trình nhằm giảm tiêu thụ các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, ví dụ như nhiên liệu hoá thạch, khoáng sản, phi kim... và tăng sử dụng bền vững các loại tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo, tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn tài chính công thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong mua sắm công.

anh.jpg
Nhà máy xi măng INSEE Hòn Chông (Kiên Giang) thực hiện đồng xử lý chất thải trong quá trình sản xuất xi măng.

Na Uy hiện đang khởi động sáng kiến công nghiệp xanh để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tạo việc làm, tăng xuất khẩu và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, Thụy Điển đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về tính bền vững, bao gồm cả việc không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2045.

Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz, một trong những thách thức chính mà thế giới phải đối mặt ngày nay là lượng rác thải ngày càng tăng, đặc biệt là rác thải nhựa, gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe, đa dạng sinh học và khí hậu. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp và người dân phải thay đổi cách sản xuất, tiêu thụ và xử lý các sản phẩm và vật liệu.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe chia sẻ, dựa trên những nguyên tắc về kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể đạt được những lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường đáng kể. Việt Nam có thể bắt đầu quá trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn từ việc xử lý rác, chất thải theo hướng biến thành nguyên, nhiên liệu tái chế, tái sử dụng thay vì cách xử lý chôn lấp, đốt bỏ như hiện nay. Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa mô hình hợp tác công tư trong xây dựng, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Đồng xử lý - Giải pháp tiềm năng

TS Kare Helge Karstensen - Quỹ Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy (SINTEF) cho biết: Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và giải quyết tình trạng “ô nhiễm trắng” nghiêm trọng, vì vậy, việc biến chất thải nhựa thành tài nguyên phục vụ cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên và năng lượng được coi là một trong những giải pháp khả thi.

Đơn cử như trong ngành sản xuất xi măng, TS Karstensen cho biết, ngành này hiện đang tiêu thụ một lượng lớn than và các nguyên liệu thô khác. Tuy nhiên, tất cả các thành phần này có thể được thay thế toàn bộ hoặc một phần trong lò nung xi măng bằng chất thải có chứa năng lượng và các thành phần vô cơ. Quá trình thay thế được gọi là đồng xử lý hoặc quản lý tích hợp chất thải.

Khi Việt Nam cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và xanh hơn, đây thực sự là thời điểm thích hợp để lồng ghép kinh tế tuần hoàn nhằm quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế khí thải và chất thải, cũng như tái tạo môi trường"

PGS.TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Cách tiếp cận này đã được chứng minh là hiệu quả về chi phí, tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường khi so sánh với việc đốt trong các lò đốt rác. Hiệu suất năng lượng cao hơn nhiều so với các lò đốt rác phát điện hiện đại. Giải pháp này cũng không làm phát sinh bất kỳ phụ phẩm dư thừa nào trong và sau quá trình xử lý, so với con số 30% đối với phương pháp xử lý trong lò đốt truyền thống.

Ở châu Âu, đồng xử lý đã là một trụ cột quan trọng cho tính bền vững của ngành công nghiệp xi măng. Các nhà máy xi măng ở Na Uy đang thay thế tới 80% nhiên liệu hóa thạch của họ như than và dầu, bằng một số loại chất thải, trong đó có chất thải nhựa không thể tái chế.

Ở châu Á, một số dự án thí điểm về đồng xử lý đã được thực hiện ở Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Kết quả cho thấy, việc đồng xử lý các chất này trong lò xi măng là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật và môi trường. Các thử nghiệm đã minh chứng rằng lượng phát thải khí đioxin không gia tăng khi sử dụng chất thải nhựa làm nhiên liệu và tuân thủ giá trị giới hạn phát thải quốc tế nghiêm ngặt.

Theo TS Karstensen, Việt Nam có ngành công nghiệp xi măng lớn thứ 5 trên thế giới. Bài học rút ra từ quá trình thử nghiệm thành công tại INSEE Hòn Chông (Kiên Giang) có thể được nhân rộng tại các nhà máy xi măng khác, đặc biệt là miền Bắc. Ngành công nghiệp xi măng có tỷ lệ thay thế nhiệt dưới 1%, do đó, đồng xử lý có thể đóng một vai trò quan trọng trong quản lý tích hợp chất thải, giảm nhu cầu đầu tư cao vào các lò đốt rác phát điện thông thường. Theo ước tính, nếu có thể đạt được tỷ lệ thay thế nhiệt là 13%, toàn bộ chất thải nhựa tại Việt Nam có thể được xử lý trong các nhà máy xi măng.

Hoàng Ngân