Thanh Hóa quản lý hiệu quả tài nguyên nước: Nâng chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:13, 28/03/2023

(TN&MT) - Là một tỉnh đang trên đà phát triển, công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo sát sao để tránh lãng phí tài nguyên nước, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, vi phạm Luật Tài nguyên nước góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững.

Xử lý nghiêm hoạt động xả thải ra môi trường

Tài nguyên nước được đánh giá là lĩnh vực nóng, dễ xảy ra tình trạng vi phạm nhất. Những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục xảy ra tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.

Điển hình như gần đây nhất vào tháng 2/2023, nhiều hộ dân thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân (huyện Như Xuân) bức xúc phản ánh, nhiều tháng qua, họ vô cùng hoang mang khi phát hiện dòng suối Hón Thành bất ngờ đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, cá tự nhiên trên suối chết hàng loạt.

anh-2-3-.jpg
Lượng cá chết tại suối ngày một nhiều, màu nước chuyển đen kịt

Hiện tượng trên bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2022, tuy nhiên, đầu tháng 2/2023 mới trở nên nghiêm trọng khi lượng cá chết tại suối ngày một nhiều, màu nước chuyển đen kịt. Sự việc đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của bà con trong thôn. Theo báo cáo của UBND huyện Như Xuân, chỉ riêng địa bàn xã Thanh Xuân và xã Thanh Sơn, hiện có 4 trang trại của các công ty, đơn vị khác nhau.

Cũng tại huyện Như Xuân, vào tháng 4/2022, người dân 2 xã Hóa Quỳ và Thanh Hòa vô cùng bức xúc trước hiện tượng dòng sông Quyền và sông Chàng bất ngờ đổi màu đen kịt, bọt trắng, cá chết nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết bất thường này sau đó được các ngành chức năng xác định xuất phát từ việc nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Khánh Nam (có địa chỉ tại xã Hóa Quỳ) xả thải. Nghiêm trọng hơn, nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Khánh Nam tồn tại trái phép hơn 10 năm trên đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng. Công ty không có giấy phép sử dụng nguồn nước ngầm, nước mặt, giấy phép xả thải; không xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà xả thải trực tiếp ra môi trường.

Vụ việc nổi cộm nhất phải kể đến là vào năm 2021, cá chết bất thường trên sông Mã đoạn qua 2 huyện Bá Thước và Cẩm Thủy, thiệt hại hơn 60 tấn cá lồng nuôi và hàng tấn cá, tôm ngoài tự nhiên. Vào cuộc kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến ven bờ sông Mã, ngành chức năng liên tiếp phát hiện các doanh nghiệp chôn ống ngầm xả thải bẩn ra sông. Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt 10 doanh nghiệp, đồng thời, yêu cầu các cơ sở dừng hoạt động 30 - 90 ngày, khắc phục lỗi vi phạm trước khi sản xuất trở lại.

Quản lý, sử dụng tài nguyên nước bền vững

Trước thực trạng nêu trên, nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước và ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh, nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

anh-2-2-1-.jpg
Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tình trạng cá chết trên sông Mã.

Năm 2022 (tính từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 30/11/2022), Sở TN&MT đã thẩm định, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh cấp 44 Giấy phép tài nguyên nước, trong đó có: 1 Giấy phép Hành nghề khoan nước dưới đất; 9 Giấy phép Thăm dò nước dưới đất; 29 Giấy phép Khai thác, sử dụng nước dưới đất; 3 Giấy phép Khai thác, sử dụng nước mặt và 2 Giấy phép Xả nước thải vào nguồn nước. Công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, nội dung theo quy định của pháp luật, không có trường hợp giải quyết quá thời hạn quy định, không có ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép tài nguyên nước cho các đơn vị.

Về tình hình thực hiện công tác cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 5282/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 của UBND tỉnh, đến nay, Đơn vị tư vấn đang triển khai thực hiện công tác cắm mốc giới trên thực địa.

Căn cứ quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các văn bản pháp luật có liên quan, Sở TN&MT đã hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng Tài nguyên nước (Sở TN&MT) cho biết: Phòng Tài nguyên nước là đơn vị trực tiếp tham mưu trong lĩnh vực tài nguyên nước cho Sở. Trong quý II/2023, phòng sẽ tham mưu cho Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước của Trung ương, của tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn.

Bài và ảnh: Thanh Tâm