Nước đã ngọt trên những cánh đồng nhiễm mặn

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:15, 27/03/2023

(TN&MT) - Về Bến Tre, đi trên những cánh đồng các huyện ven biển những ngày qua đã thấy, không khí thu hoạch vụ lúa Đông Xuân diễn ra rất rộn ràng. Nước đã mang ấm no trên quê hương Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri... những địa danh mà mới chỉ năm 2020, hạn mặn lịch sử hoành hành khốc liệt, làm thiệt hại gần như toàn bộ diện tích cây lúa, ảnh hưởng nặng nề đến các loại vật nuôi cây trồng, tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân. Những năm trước, cái nghèo vẫn còn quẩn quanh đeo bám…

Nông dân khỏe vì đã ngăn được mặn

Đang vào buổi trưa nắng cháy da người, nhưng anh Lê Hữu Trí (xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri) hình như không có cảm giác ấy. Anh cười vui vẻ, vuốt nhẹ những vệt mồ hôi lăn dài trên mặt, rồi hớn hở cho biết: “Chưa vụ nào trúng như vụ này, chưa năm nào khỏe như năm nay. Lúa gần chín, có máy gặt đập liên hợp đến lãnh cắt, vận chuyển. Sau đó, nông dân chỉ có việc đến ghi sản lượng lúa và cầm tiền đem về. Hơn nữa, giá lúa cũng nâng lên khá cao, giúp người nông dân trồng lúa tăng thêm thu nhập, đời sống ắt sẽ khấm khá hơn”.

Triều cường, xâm nhập mặn, nước biển lấn đồng, những cụm từ quá quen thuộc ở đây. Thế nhưng, năm nay, người nông dân vẫn trúng đậm vụ lúa mùa này. Ấy là do họ đã có nhiều kinh nghiệm từ các đợt hạn mặn trước đây. Trước mùa khô, người dân luôn trong tư thế chủ động phòng chống hạn mặn. Đặc biệt hơn nữa là công tác vận hành cống đập của ngành chức năng  kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt nên đến thời điểm hiện tại trong kênh mương nội đồng, kể cả trên các đồng ruộng vẫn còn nguồn nước ngọt. 

h1.jpg
Vụ lúa Đông Xuân vừa thu hoạch, người nông dân trúng mùa được giá

Cùng chung niềm vui giống như anh Trí, anh Lưu Văn Lành (xã An Điền, huyện Thạnh Phú) cũng vừa có mùa bội thu với vụ lúa và nuôi xen tôm, cua. Gia đình anh Lành có gần 2ha đất nông nghiệp nằm gần cửa sông Hàm Luông. Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp nên anh Lành và những người nông dân nơi đây đã chuyển đổi sang mô hình lúa – tôm. “Con tôm ôm cây lúa” bước đầu đã cho thấy sự đúng đắn trong lựa chọn giải pháp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác, giúp tăng thu nhập cao hơn so với trước đây.

Mô hình tôm - lúa được ngành chức năng Bến Tre khẳng định là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Đây là mô hình luân canh khép kín, áp dụng với mục đích sử dụng đất và nước thuận theo môi trường tự nhiên và canh tác phù hợp trong điều kiện BĐKH. Mô hình này cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực đối với môi trường xung quanh. Qua đó, giữ vững và mở rộng thương hiệu lúa gạo sạch của địa phương vốn đã được xây dựng trong nhiều năm, từng bước hướng đến xây dựng một nền sản xuất hàng hóa sạch, thích ứng với BĐKH, giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững.

Không cho cái nghèo trở lại

Có mặt ở hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp vào thời điểm mùa khô đang vào cao điểm và hạn mặn chỉ chực chờ sự sơ hở của con người để xâm lấn nội đồng. Thế nhưng, trái với hình dung của chúng tôi, rất nhiều người dân nơi đây vui mừng cho biết, ngay tại thời điểm này, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện vẫn được sử dụng nước ngọt từ hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri). Hồ có diện tích hơn 60ha, được xây dựng sau đợt hạn mặn lịch sử đầu năm 2016. Sau khi hoàn thành, hồ đã phần nào đáp ứng nguồn nước cho người dân trong đợt hạn mặn đầu năm 2020. Mấy năm nay, lượng nước ở hồ luôn duy trì, đảm bảo cung cấp, không để xảy ra tình trạng thiếu nước. Đến thời điểm này, lượng nước trong hồ vẫn còn khá nhiều, thoải mái phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.

Nước ngọt ở đây, nói là đủ dùng, đồng nghĩa với việc sử dụng một cách hợp lý và có phần tằn tiện. Thế nên, dù nước ở hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp hiện còn thoải mái phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân nhưng không có nghĩa bằng lòng với hiện tại. Với đường bờ biển dài trên 65km và hệ thống sông rạch chằng chịt, dù được quan tâm đầu tư nhưng hiện nay, hệ thống đê bao ven sông, ven biển, kênh, mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa hoàn chỉnh, khép kín. Vì vậy, vào mùa khô, nước mặn thường xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng lớn trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các địa phương ven biển. Nói như Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Trần Văn Hoàng: “Cái nghèo có thể quay lại bất cứ lúc nào nếu câu chuyện thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất xảy ra liên miên. Vì vậy, nói nước là nhân tố đảm bảo cho mục tiêu giảm nghèo của địa phương là câu chuyện hoàn toàn thuyết phục”.

h2.jpg
Nhờ chủ động tốt nguồn nước ngọt, người dân ổn định đời sống, sản xuất

Trong câu chuyện về công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên nước trên địa bàn, Phó Chủ tịch Trần Văn Hoàng chia sẻ: “Là một địa phương ven biển, tình trạng nước mặn thường xuyên xâm nhập sâu vào nội đồng khiến người dân nơi đây luôn chịu cảnh nước mặn bao vây quanh năm, nhất là vào thời điểm mùa khô. Vì vậy, vấn đề cung cấp, đảm bảo nguồn nước sạch, hợp vệ sinh phục vụ đời sống, môi trường, sức khỏe cho người dân được huyện Ba Tri đặt lên hàng đầu”.

Mong muốn lớn nhất hiện nay của ông cũng như lãnh đạo địa phương là tất cả người dân đều tiếp cận được nguồn nước sạch, đạt quy chuẩn. Và để mục tiêu đó duy trì trong thực tế, UBND huyện Ba Tri luôn chỉ đạo các phòng, ban tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vận động người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt; đắp cống, đê bao cục bộ để tích trữ nước ngọt; thực hiện nạo vét nhiều tuyến kênh mương, khơi thông dòng chảy nhằm bảo đảm an toàn các công trình, phát huy hiệu quả phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Trở lại câu chuyện “nước là nhân tố đảm bảo cho mục tiêu giảm nghèo của địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam cho biết, Bến Tre luôn xác định tài nguyên nước là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, là chìa khóa cho xóa đói giảm nghèo, là yêu cầu đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương, điều này đã được minh chứng trong các kết quả phát triển cũng như thực hiện giải pháp nâng cao đời sống cho người dân vùng ven biển. Trong điều kiện BĐKH, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, việc đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bến Tre.

Bến Tre giờ đây đang triển khai nhiều mô hình sinh kế, canh tác thích ứng với BĐKH, nhiều mô hình nhận được sự hưởng ứng, tham gia của người dân và cũng đã cho kết quả tốt, cải thiện thu nhập cho các hộ dân tham gia mô hình. Các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường được các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp đầu tư như tiết kiệm nước, dự báo, cảnh báo thủy văn, năng lượng tái tạo... bước đầu phát triển và ứng dụng trong cảnh báo, dự báo.

Theo Chủ tịch Trần Ngọc Tam: “Thời gian tới, Bến Tre sẽ triển khai thực hiện các chương trình, giải pháp mang tính đột phá, đồng bộ, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đặc biệt, sẽ tiếp tục chủ động nâng hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với BĐKH. Song song với các giải pháp kỹ thuật, tỉnh sẽ hướng đến các mục tiêu kinh tế - xã hội như tập trung đổi mới tư duy sản xuất, tạo việc làm ổn định, giúp người dân vùng ven biển nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương”.

Trong tương lai không xa, các công trình, dự án ngăn mặn trữ ngọt Ba Lai, Lạc Địa sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng; hoàn thành đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện vùng biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú; các công trình, dự án ngăn mặn trọng điểm sẽ cùng với dự án hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp phát huy hiệu quả, phục vụ phát triển sinh kế bền vững của người dân. Vùng ven biển Bến Tre đã chuyển mình, rồi đây, sẽ chuyển mình mạnh mẽ, người dân không chỉ thoát nghèo mà còn có thể giàu lên bền vững bắt đầu từ tài nguyên nước.

Bạch Thanh