Dự án ĐT601 (Đà Nẵng): Kịp thời xử lý, khắc phục những tồn tại
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:18, 27/03/2023
Theo đó, tại Công văn số 300/BCTGT-ĐHGS ngày16/3/2023 gửi đến đơn vị tư vấn giám sát thi công là Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng ECC, nhà thầu thi công xây lắp là Công ty cổ phần ĐTXD công trình đô thị Đà Nẵng, đại diện chủ đầu tư - Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban QLDA các CTGT) đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương phối hợp kiểm tra, khắc phục những nội dung tồn tại (nếu có).
Đồng thời, các đơn vị nêu trên báo cáo rõ công tác tổ chức thi công, nghiệm thu và công tác quản lý chất lượng thi công, kiểm soát nguồn vật liệu, điều phối đất đắp tận dụng trên tuyến. Ngoài ra, làm rõ nguồn gốc đất đắp liên quan đến dự án đầu tư nâng cấp mương thoát nước tuyến đường Lạc Long Quân và có văn bản gửi về Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông trước ngày 18/3/2023.
Cùng ngày 16/3, ghi nhận tại hiện trường dự án, có đầy đủ đại diện các đơn vị liên quan, cùng máy móc thiết bị, đã tiến hành xử lý loại bỏ phần đá cỡ lớn, vật liệu không phù hợp và vận chuyển phần khối lượng đất không đảm bảo yêu cầu ra khỏi công trình.
Để kiểm soát chất lượng thi công tại dự án, ngày 18/3/2023, Ban QLDA các CTGT cũng đã mời đại diện đơn vị Tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình giao thông 5, Tư vấn giám sát thi công, Trung tâm thí nghiệm VLXD và Kiểm định công trình xây dựng cơ bản LAS XD -75 - Công ty CP TVTK Xây dựng CTCC Đà Nẵng và nhà thầu thi công xây lắp để kiểm tra hiện trường, lấy mẫu đất thí nghiệm chất lượng chỉ tiêu cơ lý và đánh giá chất lượng đất đắp nền đường đoạn từ lý trình Km4+399 đến Km5+096 thuộc công trình trên.
Theo báo cáo của các đơn vị, hồ sơ thiết kế được duyệt nguồn vật liệu đất đắp nền đường K95 đoạn Km4+399 đến Km5+096 do Công ty cổ phần ĐTXD công trình đô thị Đà Nẵng thực hiện được sử dụng từ 2 nguồn. Cụ thể, một nguồn tận dụng từ đất điều phối nền đào, đất thừa trong quá trình thi công hệ thống thoát nước và đào nền đường hiện trạng thuộc gói thầu để đắp và nguồn khác được mua đất tại mỏ để đắp. Đối với đất đắp nền đường K98 được mua mới từ các mỏ đất.
Từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2022, sau khi có mặt bằng, nhà thầu thi công đắp nền K95 bằng nguồn mua đất tại mỏ về đắp nền K95, K98 (đoạn từ Km4+450 đến Km5+096,35). Đối với nguồn đất được tận dụng, điều phối để đắp nền K95 ở giai đoạn này với trữ lượng không nhiều do vướng công tác giải tỏa và bàn giao mặt bằng thi công.
Tháng 8/2022 đến nay, nguồn đất được sử dụng để đắp nền đường K95 chủ yếu từ nguồn đất điều phối từ đất đào nền đường hiện trạng và đất dư thừa từ công tác thi công hệ thống thoát nước dọc. Ngoài ra, đối nền đường đất đắp K98 chưa được triển khai thi công.
“Việc đất đắp nền đường không đồng nhất, có lẫn đá lớn nguyên nhân chính là do đất được điều phối từ các đoạn khác nhau, sử dụng nguồn đất từ việc đào nền mặt đường cũ và tận dụng đất đào từ việc thi công hệ thống thoát nước dọc tuyến đường ĐT601”, Ban QLDA các CTGT giải thích.
Về phía nhà thầu thi công, trong quá trình thi công Dự án đầu tư nâng cấp mương thoát nước tuyến đường Lạc Long Quân, để kịp thời phục vụ cho người dân đi lại trong mùa mưa tại dự án ĐT601, nhà thầu có chọn lọc một phần đất cát hạt nhỏ để đắp đường công vụ. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển có lẫn ít đất đá không phù hợp. Đơn vị thi công cũng đã xử lý xúc đổ thải triệt để phần đất trên ra khỏi công trình ngay sau khi nhận được thông tin từ báo TN&MT tại thời điểm thi công.