Thừa Thiên – Huế: Hưởng ứng Giờ Trái Đất 2023 với chủ đề “Một tương lai không rác thải nhựa”

Môi trường - Ngày đăng : 09:51, 26/03/2023

Việc hưởng ứng nhằm kêu gọi người dân và du khách đến Huế cùng xây dựng thói quen tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thông qua việc lan tỏa thông điệp và tăng cường nhân rộng thói quen sống xanh, giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tăng cường phân loại rác tại nguồn...

Trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, Ban Quản lý dự án đã phối hợp với Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn, Sở TN&MT, Hội Đoàn sinh viên Đại học Huế, Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO), Khoa Môi trường – Đại học Khoa học Huế... tổ chức sự kiện hưởng ứng Giờ Trái Đất 2023 với chủ đề “Một tương lai không rác nhựa”. Sự kiện có sự góp mặt của gần 100 bạn trẻ là sinh viên, học sinh trên địa bàn TP. Huế, ngoài ra còn có người dân, khách du lịch.

g1.jpg

Tắt đèn tại Bia Quốc học Huế trong 1 tiếng đồng hồ hưởng ứng “Giờ Trái đất”

Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF sáng lập nhằm kêu gọi mọi người dân thực hiện các hành động thiết thực bảo vệ môi trường thông qua việc tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong vòng 1h (từ 20h30 đến 21h30 giờ địa phương) vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Năm 2009, Giờ Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam bởi WWF, với sự đồng hành của Bộ Công Thương và Bộ TN&MT. Chỉ với 6 tỉnh thành tham gia lần đầu tiên, từ 2012 tới nay, Giờ Trái Đất đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia của toàn bộ 63 tỉnh thành cùng hàng triệu cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức.

g2(1).jpg

Các bạn trẻ sinh hoạt trong thời gian tắt đèn

Trong khoảng thời gian từ 13h30 đến 21h30 ngày 25/3/2023, sự kiện đã thu hút các bạn trẻ cùng tham gia các hoạt động tập thể vì môi trường với nhiều nội dung đa dạng như: Phối hợp cùng UBND phường Đông Ba dọn dẹp vệ sinh môi trường tại điểm nóng Kiệt Trần Huy Liệu; tham gia Hoạt động “Đổi rác lấy quà” và tìm hiểu kiến thức về phân loại rác thải tại nguồn, tái chế tài nguyên rác thải nhựa tại Trung Tâm Thông tin Môi trường (HEPCO và WWF triển khai); tham gia các trò chơi, văn nghệ vì môi trường tại Bia Quốc học.

g3(1).jpg

Các em nhỏ tham gia hưởng ứng

Đặc biệt, từ 20h30 đến 21h30, các bạn trẻ đã thực hiện màn đồng diễn xếp chữ "60Hue" bằng ánh đèn flash lung linh tại Bia Quốc học. Trong 1 tiếng đồng hồ tắt đèn, các bạn trẻ đã cùng nói chuyện và tổ chức hoạt động về tỉnh thức, cùng hát live, chia sẻ cảm nghĩ trước khi bật lại đèn.

“Đây là lần đầu tiên em tham gia và em thấy hoạt động này rất ý nghĩa, chỉ diễn ra một năm 1 lần và lượng điện tiết kiệm trong 1 giờ đồng hồ em nghĩ là lớn, qua đây những người trẻ như em có thể hiểu và thêm tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường...”, Bích Ngọc - sinh viên Đại học Ngoại ngữ Huế thổ lộ.

g4.jpg

Tổ chức hoạt động tỉnh thức

Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Quản lý Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” cho rằng, Giờ Trái Đất là thời điểm mỗi người dân TP. Huế cùng dành trọn vẹn một giờ với những hành động thiết thực bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta. Chủ đề của sự kiện hưởng ứng Giờ Trái Đất tại Huế năm nay là “Một tương lai không rác thải nhựa” phù hợp với mục tiêu và hành động của TP. Huế là đến năm 2024 giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, góp phần xứng tầm với danh hiệu “Huế - Đô thị giảm nhựa”.

“Sự kiện còn nhằm kêu gọi cộng đồng người dân thành phố và du khách đến Huế cùng xây dựng thói quen tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thông qua việc lan tỏa thông điệp và tăng cường nhân rộng thói quen sống xanh, giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tăng cường phân loại rác tại nguồn nhằm góp phần xây dựng TP. Huế xanh - sạch - sáng”, bà Vân chia sẻ.

g5.jpg

Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam cũng đang tổ chức cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa – Huế 2023” với mong muốn tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu vấn đề rác thải nhựa tại Huế

Được biết, Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND TP. Huế, nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024.

Văn Dinh