Chuyên gia quốc tế bàn giải pháp tăng cường khả năng dự báo thiên tai ở Việt Nam

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:44, 25/03/2023

(TN&MT) - Theo các chuyên gia về khí tượng thủy văn (KTTV), để tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng cực đoan ở khu vực đô thị của Việt Nam, cần phải hiểu rõ các rủi ro hiện tại và trong tương lai, xây dựng năng lực phòng chống, quản lý khẩn cấp, phát triển ngành cũng như cơ chế quản trị rủi ro và học hỏi để quản lý rủi ro bền vững cho tương lai. Để làm được như vậy, ngành KTTV cần phát triển hơn nữa công nghệ, mô hình dự báo, cảnh báo dựa trên tác động.

Đô thị hóa và khí hậu cực đoan ở Việt Nam

Là một quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam có đường bờ biển dài gần 3.000km. Đại đa số các thành phố lớn và trung tâm đô thị của Việt Nam nằm ven biển hoặc dọc các con sông. Các khu vực đô thị đang phải đối mặt với nhiều thách thức và tình trạng dễ bị tổn thương do thiên tai liên quan đến khí hậu (bão, nước dâng do bão, lũ, xâm nhập mặn và nước biển dâng) và các yếu tố liên quan đến con người như đô thị hóa nhanh không theo kế hoạch, cơ sở hạ tầng dân sự lạc hậu.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới đến năm 2019, gần 36,62% dân số tập trung ở khu vực thành thị. Dự kiến, quá trình đô thị hóa sẽ tiếp tục tăng ở Việt Nam và tính đến năm 2050, tỷ lệ dân số sống ở khu vực đô thị sẽ là 57%.

_mg_9571.jpg
Ông Senaka Basnayake - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Thiên tai Châu Á trao đổi với phóng viên Báo TN&MT 

Những thách thức về đô thị hóa nhanh và rủi ro cao trước thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của đô thị cũng như các thành quả phát triển bền vững đã đạt được trong những năm gần đây. Thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế do cư dân thường tập trung đông ở khu vực ben biển và đồng bằng thấp trũng (sông Hồng và sông Cửu Long). Trung bình hàng năm, thiên tai làm chết 750 người và thiệt hại tương đương 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo ông Lalit Kumar Dashora - chuyên viên cao cấp về hệ thống dự báo, cảnh báo sớm đa thiên tai, Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á (ADPC), nếu các thành phố/trung tâm đô thị không được quy hoạch tốt và có khả năng chống chịu, các loại hình thiên tai liên quan đến khí hậu sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống và cư dân đô thị, làm tăng tình trạng dễ bị tổn thương trước các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Bão lũ đã và đang tàn phá nhiều nơi ở Việt Nam chính là bằng chứng hiện hữu nhất cho thấy xu hướng đáng lo là rủi ro thiên tai ngày càng tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

_mg_9480.jpg
Ông Lalit Kumar Dashora - chuyên viên cao cấp về hệ thống dự báo, cảnh báo sớm đa thiên tai, Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á nêu giải pháp tăng cường khả năng dự báo thiên tai ở Việt Nam

Do đó, ông Lalit Kumar Dashora cho rằng tăng cường khả năng chống chịu trước các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai ở khu vực đô thị phải được chính quyền địa phương đặt lên ưu tiên hàng đầu. Hiểu rõ rủi ro, xác định các điểm trọng yếu, tăng cường năng lực phòng chống và khả năng ứng phó, tăng cường xây dựng hệ thống xã hội, sinh thái, công nghệ sẽ góp phần quản lý rủi ro bền vững cho tương lai.

Theo chuyên gia này, ADPC đã khởi xướng Chương trình 5 năm (2018-2023) “Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan (URCE) cho khu vực đô thị ở Đông Nam Á” dưới sự bảo trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad).

Mục tiêu tổng thể của dự án là tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống và cộng đồng cư dân khu vực đô thị trước các hiện tượng khí hậu cực đoan mới nổi, thiên tai và tình trạng khẩn cấp được dự đoán cho các thành phố khu vực đồng bằng và ven biển ở Việt Nam.

Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cực đoan

ADPC đã lựa chọn thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) và thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) để triển khai dự án tại Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT bên lề Hội thảo quốc tế “Dự báo, cảnh báo dựa trên tác động “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau” vào ngày 22/3 tại Hòa Bình, ông Senaka Basnayake - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Thiên tai Châu Á cho biết, dự án URCE sẽ tăng cường khả năng chống chịu trước khí hậu cực đoan tại hai thành phố thông qua 5 kết quả chính.

_mg_9492.jpg
Ông Susantha Jayasinghe, chuyên gia dữ liệu khí hậu cao cấp, Ban Ứng phó với khí hậu, Trung tâm Phòng, chống thiên tai châu Á nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự báo, cảnh báo dựa trên tác động

Cụ thể, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm đa hiểm họa và kiến thức rủi ro về khí hậu cực đoan (bão, lũ, nước dâng do bão…) để tăng cường khả năng dự báo về các thiên tai sắp xảy ra.

Đồng thời, tăng cường khả năng phòng chống và sẵn sàng ứng phó một cách có hiệu quả của người dẫn và chính quyền khu vực đô thị với thiên tai khí hậu cực đoan và các tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, tăng cường năng lực phòng chống theo ngành và ứng phó khẩn cấp tại khu vực đô thị trong các lĩnh vực như y tế, nước sạch, vệ sinh (WASH), dinh dưỡng trong trường hợp khẩn cấp, cơ sở hạ tầng trọng yếu và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương để ứng phó với thiên tai.

_mg_9508(1).jpg
Ông Lalit Kumar Dashora - chuyên viên cao cấp về hệ thống dự báo, cảnh báo sớm đa thiên tai, Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á chia sẻ kiến thức cơ bản trong dự báo và cảnh báo dựa trên tác động

Bên cạnh đó, tăng cường hệ thống quản trị rủi ro khu vực đô thị để ứng phó với khí hậu cực đoan và các tình huống khẩn cấp được dự báo trong tương lai. Hơn nữa, nâng cao kiến thức và nhận thức về khả năng chống chịu khí hậu cực đoan ở khu vực đô thị thông qua các sự kiện diễn đàn cấp khu vực và quốc gia.

Giám đốc ADPC cho biết, hiện nay ADPC đã thu thập được các thông tin về rủi ro của 2 thành phố Nam Định và Mỹ Tho; xây dựng đánh giá rủi ro ở 2 thành phố này và tổ chức 1 số Hội thảo liên quan. Hội thảo tại Hòa Bình là 1 trong số đó nhằm tăng cường nhận thức và hiểu biết của cán bộ cũng như người dân để chuẩn bị ứng phó với các thảm họa tự nhiên.

33-1-.jpg
Nhiều khu vực tại Hà Nội thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn. Ảnh: Thanh Tùng

Để tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng cực đoan ở khu vực đô thị, ADPC đã áp dụng cách tiếp cận đa ngành với sự tham gia của các bên liên quan từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Cách tiếp cận này cũng được Tổng cục KTTV và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai áp dụng để phối hợp xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo dựa trên tác động.

Ông Susantha Jayasinghe, chuyên gia dữ liệu khí hậu cao cấp, Ban Ứng phó với khí hậu, Trung tâm Phòng, chống thiên tai châu Á đánh giá, mặc dù dự báo, cảnh báo dựa trên tác động là xu hướng mới ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới, nhưng hết sức cần thiết vì nó giúp mọi người hiểu rõ hơn các mối nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến họ như thế nào, từ đó đưa ra hành động kịp thời và phù hợp.

Chuyên gia này cho biết: “Các cảnh báo đưa ra có tính đến tính dễ bị tổn thương cho các khu vực cụ thể, do vậy, với cùng một hiện tượng thời tiết nguy hiểm, các khu vực khác nhau với khả năng chống chịu khác nhau sẽ có những tác động khác nhau. Việc xác định được cấp độ rủi ro cho từng khu vực cụ thể sẽ giúp nâng cao chất lượng dự báo, cũng như năng lực ứng phó, phòng chống thiên tai, giảm thiểu được tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị ở Đông Nam Á” để triển khai tại Việt Nam trong 3 năm (2021 - 2023). Tổng cục Phòng, chống thiên tai (nay là Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) được chỉ định là cơ quan chủ quản dự án đưa ra các hướng dẫn cần thiết trong quá trình thực hiện dự án. ADPC đang phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để triển khai các hoạt động nhằm đạt được 5 kết quả chính mà dự án đã đặt ra.

Mai Đan