Thừa Thiên – Huế: Tăng cường phổ biến Luật Khoáng sản giúp người dân phát triển kinh tế

Tài nguyên - Ngày đăng : 17:07, 24/03/2023

Thời gian qua, Luật Khoáng sản đã được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế tăng cường phổ biến đến người dân, doanh nghiệp, qua đó giúp người dân có cơ sở phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thừa Thiên - Huế có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là đá vôi dùng sản xuất xi măng, sa khoáng titan, khoáng chất công nghiệp kaolin, cát thuỷ tinh, đá gabro làm ốp lát than bùn và vật liệu xây dựng... Hiện trên địa bàn tỉnh có 66 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp phép.

Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản đóng góp vào kinh tế xã hội của địa phương nơi khai thác khoáng sản, thông qua tạo công ăn việc làm của người dân tại chỗ cho hơn 2.000 người trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong thời gian qua, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các tổ chức, cá nhân sử dụng bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản được các ngành, các cấp quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Qua đó góp phần ổn định đời sống nhân dân, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp về khoáng sản đã hỗ trợ đá xây dựng, đất san lấp cho các địa phương nơi khai thác khoáng sản nhằm góp phần xây dựng, tu bổ công trình giao thông, công trình phúc lợi của địa phương; hỗ trợ tặng quà cho người nghèo, trẻ em vượt khó, nạn nhân chất độc màu da cam, người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ... Hoạt động khai thác khoáng sản cũng phát triển thêm một số ngành nghề phụ nơi có hoạt động khai thác khoáng sản như: dịch vụ vận chuyển, mua bán hàng hóa lương thực thực phẩm, nguyên nhiên liệu phục vụ khai khoáng.

Tuy nhiên, ngoài những đóng góp cho phát triển kinh tế, khai thác khoáng sản cũng gây nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Chính vì vậy, việc quản lý cũng như nâng cao hiểu biết của cá nhân, tổ chức và nhân dân về quy định pháp luật khoáng sản là sự cần thiết.

2(2).jpg

Khai thác khoáng sản tại Thừa Thiên – Huế

Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền pháp luật về khoáng sản ở Thừa Thiên – Huế được triển khai đồng bộ thông qua nhiều hình thức: Tuyên truyền trực tiếp thông qua các lớp tập huấn văn bản quy phạm pháp luật được tổ chức đến từng địa bàn xã, địa bàn huyện có sự tham gia của người dân; truyền thông qua bài đăng tải thông tin đại chúng; tuyên truyền thông qua phát hành bản sao văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản gửi đến các cơ quan chính quyền cấp cơ sở; tuyên truyền thông qua các lớp học trung cấp chính trị tại tỉnh...

z3523482285157_b0372f0af05cdc47cabb1ff6b1cab0a1.jpg

Luật Khoáng sản đã được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế tăng cường phổ biến đến người dân, doanh nghiệp, qua đó giúp người dân có cơ sở phát triển kinh tế

Gắn bó với nghề khai thác khoáng sản gần 20 năm qua, anh Học – quản lý một mỏ đá trên địa bàn huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) chia sẻ rằng, nhờ có công ăn việc làm ở mỏ mà anh có thu nhập ổn định để chăm lo cho gia đình.

“Những năm qua, các doanh nghiệp khoáng sản tại địa phương thường xuyên được tuyên truyền về những chính sách pháp luật mới của Trung ương và địa phương. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp được nâng cao, hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng đi vào nề nếp ...”, anh Học nói.

Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp tuyên truyền hiệu quả hơn đối với quy định pháp luật khoáng sản đến với người dân. Cụ thể như phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở xã phường để lồng ghép nội dung quy định pháp luật về khoáng sản đến với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân... Tổ chức thi tìm hiểu quy định pháp luật, trong đó có quy định pháp luật về khoáng sản đến với các đối tượng là người dân, học sinh, sinh viên. Tập hợp thành tuyển tập quy định pháp luật về khoáng sản gửi đến tủ sách cộng đồng dân cư, tổ dân phố...

“Tỉnh cũng tập trung rà soát đối chiếu về tiềm năng, thế mạnh của khoáng sản, nhu cầu, công nghệ sản xuất để hoạch định, quy hoạch nơi khai thác, loại khoáng sản khai thác phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như tiến bộ về khoa học công nghệ trong chế biến khoáng sản. Tăng cường mật độ giám sát hoạt động khai thác khoáng sản nhằm hướng dẫn các cá nhân, tổ chức liên quan nghiêm túc triển khai quy định pháp luật về khoáng sản, môi trường, đất đai. Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định. Ngoài ra, chỉ xem xét chấp thuận đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản với những nhà đầu tư có công nghệ mới ít ảnh hưởng môi trường”, ông Phúc chia sẻ.

Văn Dinh