Những triệu phú ở xã đào Xuân Quang
Xã hội - Ngày đăng : 17:02, 24/03/2023
Xuân Quang là một xã nằm tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, người dân quanh đây vẫn gọi Xuân Quang là xã triệu phú bởi xã Xuân Quang có hơn 500 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Con số 500 hộ kinh doanh giỏi đã nói lên đời sống người dân và bộ mặt nông thôn mới ở Xuân Quang hôm nay khởi sắc như thế nào. Kỳ tài thay là bàn tay lao động của người dân nơi đây, nếu Sơn Hải phù sa màu mỡ ven sông thì Xuân Quang đất đồi khô cằn nhiều sỏi đá, vậy mà vẫn dậy lên màu xanh căng tràn của cây trái, sắc hồng tươi thắm của hoa đào với những ông chủ vườn “hái” bạc triệu, bạc tỷ từ cây trồng trên đất.
Những ngày giáp Tết, vườn đào của các hộ dân Xuân Quang nhộn nhịp như trảy hội, người tứ phương đến ngắm hoa, lựa đào chơi Tết. Nhìn đôi tay cặm cụi, tỷ mẩn đào gốc, bó tán đào, xếp lên xe ô tô để ngược lên các chợ hoa ngày giáp Tết, tôi mới thấm cái “hồn người, tình đất” người Xuân Quang gửi vào trong mỗi dáng cây, từng sắc hoa tươi thắm để góp một nét đẹp hồn hậu, khó quên của vùng đất bãi cho đời.
Vụ hoa xuân năm 2022, với gần 1.000 gốc đào thế cổ thụ và đào bích, đào phai, vợ chồng anh Trần Văn Hoàn, ở thôn Thái Vô( Xuân Quang) thu về hơn 500 trăm triệu đồng, tôi thấy rõ nét xuân rạng ngời trên gương mặt người ân tình với đất đai, hoa trái.
Dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong nghề trồng cây đào thế, đào cảnh, loài hoa báo hiệu mùa xuân tới, đã đưa người nông dân Trần Xuân Hoàn, ở thôn Thái Vô (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai phất lên thành triệu phú. Anh được bình chọn là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Bên những gốc đào đang nẩy lộc xanh mướt, triệu phú Trần Xuân Hoàn chia sẻ, là một trong những người đầu tiên trồng đào cảnh ở tỉnh Lào Cai. Trước khi "bén duyên" với cây đào cảnh, gia đình anh Hoàn chủ yếu trồng lúa, ngô và làm nương mía trên đồi. Thời bấy giờ, cuộc sống của gia đình anh khá khó khăn.
Trồng lúa, ngô, mía quần quật quanh năm suốt tháng mà kinh tế gia đình anh mãi không khấm khá lên được. Anh Hoàn nhiều đêm trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình.
Năm 1997, một lần tình cờ tôi gặp một người đi bán đào cảnh rong ở thành phố Lào Cai. Hỏi ra mới biết, những cây đào cảnh với nhiều hình dáng độc lạ, bắt mắt đó được vận chuyển từ dưới xuôi lên bán. Vẻ đẹp của những cây đào cảnh độc lạ đó đã cuốn hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ý tưởng trồng và kinh doanh đào cảnh trong tôi nảy sinh từ đó" – anh Hoàn nhớ lại.
Nghĩ là làm, anh Hoàn bàn với vợ về phát triển kinh tế gia đình từ cây đào cảnh. Được vợ tán thành, anh Hoàn bắt đầu hành trình biến ý tưởng trồng đào cảnh thành hiện thực. Anh vào rừng tìm kiếm và nhổ một số cây đào nhỏ về trồng ở vườn nhà. "Thời gian đầu trồng và ghép đào cảnh, tôi gặp không ít khó khăn. Ở Lào Cai khi đó chưa có ai làm đào cảnh nên tôi cứ loay hoay, lọ mọ tự tìm cách ghép đào”, sau nhiều lần thất bại tôi cũng tìm ra cách ghép và trồng đào. Chỉ vào những gốc đào to như cột nhà, anh Hoàn vui vẻ cho biết: Tôi mua những gốc đào này của người dân các vùng lân cận, sau đó đưa về trồng và ghép, uốn, tạo hình rồi bán ra thị trường.
Với hơn 2ha trồng đào cảnh, anh Hoàn mỗi năm bán ra thị trường khoảng 1000 cây. Tùy theo cây đào to hay nhỏ mà anh Hoàn bán với giá khác nhau. Anh Hoàn bán đào cảnh ra thị trường với giá dao động từ 400.000 – 1.000.000 đồng/cây. Đối với hàng đào gốc, anh Hoàn bán với giá dao động từ 3 – 10 triệu đồng/gốc. Mỗi năm, anh Hoàn lãi từ 500 – 700 triệu đồng từ bán đào cảnh ra thị trường. Ngoài làm giàu cho gia đình, anh Hoàn còn tạo công ăn, việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động ở địa phương.
Năm 2018, anh Hoàn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có mô hình sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động tỉnh Lào Cai. Ngoài ra, anh Hoàn còn được UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015-2020. Anh Trần Xuân Hoàn là một trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Chung khảo Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Gia đình chị Trần Thị Loan, thôn Thái Vô, xã Xuân Quang cũng có gần 1.000 gốc đào. Với kinh nghiệm trồng đào cảnh từ năm 1997, chị Loan tính toán từng thời điểm bón phân, tỉa lá và cả cách “hãm” đào” để hoa nở đúng dịp tết. Chị Loan chia sẻ bình quân mỗi năm với gần 1000 gốc đào, gia đình chị thu về khoảng 700 triệu đồng. Cây đào đã đưa gia đình chị từ một hộ nghèo trở thành hộ khá giả của thôn Thái Vô, xã Xuân Quang.
Cũng tại vùng đào Thái Vô( Xuân Quang), gia đình triệu phú Trần Đình Công đang dồn sức chăm sóc vườn đào khoảng 1.200 gốc, anh Công cho biết, Mỗi năm gia đình anh cũng đưa ra thị trường từ 500-800 gốc đào, với giá bán đào thường dao động từ 300 nghìn đồng đến 7 triệu đồng tùy cây; những gốc cổ thụ, dáng đẹp, thế uốn lượn có giá 10 - 12 triệu đồng/cây. Mỗi năm gia đình anh Công cũng thu nhập cat tỷ đồng. Bác Hoàn, chị Loan hay anh Công chỉ là 1 trong số hàng trăm nông dân triệu phú, tỷ phú làm giàu nhờ sự dụng hiệu quả đất và cây trồng của xã Xuân Quang. Hiện có hơn 30 ha trồng đào, dự ước mỗi năm mang về cho người dân Xuân Quang khoảng 200 tỷ đồng.
Hồ hởi về chuyện làm ăn, chuyện “vắt đất đẻ ra tiền”, Ông Trần Đức Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sử dụng hiệu quả đất đai, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã và đang thấm đến từng người, từng hộ dân, tạo nên bộ mặt mới của Xuân Quang hôm nay, toàn xã có hơn 500 hộ kinh doanh giỏi. Những năm qua, cây đào cảnh đã mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân trong xã, đồng thời giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.