Quảng Bình: Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân nghèo yên tâm bám biển

Xã hội - Ngày đăng : 15:19, 24/03/2023

(TN&MT) - Với 6.792 tàu thuyền đánh bắt thuỷ, hải sản, thu hút trên 24.000 lao động, Quảng Bình là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền thuộc tốp đầu khu vực miền Trung. Chính bởi lẽ đó, trong những năm qua, địa phương này đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp ngư dân, đặc biêt là ngư dân nghèo yên tâm bám biển phát triển kinh tế.

Nhiều ngư dân có hoàn cảnh khó khăn

Trong 100 nông dân Việt Nam được tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, Quảng Bình có 2 cá nhân thì cả 2 đều hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Đó là anh Hoàng Minh Thắng, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) với trang trại nuôi tôm trên cát mang lại doanh thu bình quân giai đoạn 2017-2021 là 30 tỷ đồng/năm. Người thứ 2 là anh Phạm Tuyển, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đã đầu tư 2 tàu cá có công suất 420CV và 500CV với tổng vốn 12 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 7 tỷ đồng/năm. Điều này đã khẳng định tầm quan trọng của nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đối với người dân Quảng Bình.

anh-1(1).jpg
Quảng Bình là một trong các địa phương có đội tàu đánh bắt thủy, hải sản lớn nhất khu vực miền Trung. Ảnh: Thanh Tùng

Thông tin từ Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Quảng Bình cho biết, đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương ở khu vực miền Trung có số lượng lớn tàu thuyền thuộc tốp đầu với 6.792 tàu thuyền tham gia đánh bắt thuỷ, hải sản trong đó có hơn 1.207 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, số lao động tham gia khai thác thuỷ hải sản là 24.100 người.

Năm 2022, tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh ước đạt 93.152 tấn, đạt 97,5% so với kế hoạch, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 80.161 tấn, tăng 5,08% so với cùng kỳ, trong đó, khai thác biển 75.882 tấn và khai thác nội địa ước đạt 4.279 tấn. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 12.991 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng nuôi mặn lợ 4.703 tấn và sản lượng nuôi ngọt 8.288 tấn.

Tuy nhiên, nhiều ngư dân ở Quảng Bình cũng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Qua kết quả khảo sát để triển khai chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" tại các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Bình, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh phối hợp Hội Chữ Thập đỏ các huyện, thị xã cho biết, đã thu thập thông tin hộ hưởng lợi và cập nhật danh sách 471 hộ chủ tàu, ngư dân trên các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại 11 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển và các xã ven biển thuộc 5 huyện, thị xã, gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và Ba Đồn.

Tạo động lực cho ngư dân bám biển

Để kịp thời động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển, tỉnh Quảng Bình đang có nhiều chương trình, kế hoạch đồng hành cùng ngư dân. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 2520/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 178/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; Công văn số 2710/UBND-KT về việc triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 01/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 2430/KH-UBND về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong quý IV năm 2021 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình...

Ngoài ra, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai các quy định về chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh tổ chức 3 hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác thủy sản. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đã có nhiều văn bản nhằm tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để hỗ trợ ngư dân.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai hỗ trợ cho chủ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển.

Ngoài các chính sách của Chính phủ, hằng năm, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn để hỗ trợ ngư dân và tàu cá xa bờ. Qua đó, ngư dân mạnh dạn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá với số lượng tàu cá phát triển mạnh. Trung bình hằng năm tỉnh đóng mới, cải hoán từ 200 - 300 tàu cá khai thác xa bờ. Việc quản lý cấp, thu hồi và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đối với ngư dân được thực hiện tốt với 100% tàu cá từ 20 CV trở lên được cấp phép. Tỉnh luôn động viên, khuyến khích đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên cả nước thành lập các “Tổ đoàn kết” trên biển. Các tổ đoàn kết, tổ hợp tác và nghiệp đoàn nghề cá ở Quảng Bình đã tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, cứu hộ cứu nạn, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Các tổ hợp tác, tổ đoàn kết đã kết nối liên kết thành các tổ biển xa để phát huy vai trò trong việc hỗ trợ sản xuất, cứu hộ cứu nạn, hạn chế các rủi ro nguy hiểm khi hoạt động khai thác xa bờ. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết được phát huy, hạn chế rủi ro của các tàu thuyền trên biển, việc liên kết sản xuất và sản lượng khai thác của ngư dân luôn ổn định.

anh-2(1).jpg
Một hộ ngư dân nghèo được hỗ trợ từ chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”. Ảnh: Tâm An

Đặc biệt, năm 2022, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" nhằm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Từ chương trình, nhiều gia đình ngư dân nghèo trên cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng để có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Tháng 2/2023, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình triển khai hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn, hỗ trợ sinh kế và trao tặng quà cho người dân tại huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Theo đó, tại huyện Quảng Trạch, Hội đã hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn cho 1 hộ, hỗ trợ sinh kế cho 4 hộ gia đình ngư dân, trao tặng 50 suất quà tại xã Quảng Đông và 100 suất quà cho xã Quảng Xuân. Tại thị xã Ba Đồn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 3 ngôi nhà cho 3 hộ xã Quảng Minh và xã Quảng Văn; hỗ trợ sinh kế cho 8 gia đình ngư dân ở xã Quảng Minh, Quảng Văn và trao tặng 100 suất quà cho xã Quảng Phúc.

Thông tin từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình cho biết, qua quá trình thẩm định, bình xét, năm 2022, toàn tỉnh Quảng Bình có 6 hộ ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ sửa chữa nhà ở (25 triệu đồng/hộ), 11 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà mới (50 triệu đồng/hộ) và 19 hộ được hỗ trợ bò (trâu) sinh kế (10 triệu đồng/con) với tổng trị giá 890 triệu đồng. Không chỉ được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở an toàn, tạo nguồn sinh kế, những ngư dân nghèo còn được trao tặng bộ áo phao cứu sinh đa năng, được phổ biến kiến thức pháp luật bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tổ chức truyền thông về sơ cấp cứu…

“An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” là chương trình giàu ý nghĩa nhân văn, tạo động lực để ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Quảng Bình là tỉnh ven biển miền Trung, có đường bờ biển dài trên 116km, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2, có 6/8 huyện, thị xã, thành phố giáp biển, 5 cửa sông lớn, có hệ thống đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Chùa, Hòn Nồm, Hòn Cỏ. Ngư trường rộng, trữ lượng hải sản lớn, ước tính khoảng 10 vạn tấn, với 1.650 loài hải sản có giá trị kinh tế cao, như tôm hùm, tôm sú, mực nang, mực ống,... Đây là những điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển các ngành kinh tế biển, đặc biệt là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Thanh Tùng