Lạng Sơn: Giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học giúp dân thoát nghèo
Môi trường - Ngày đăng : 15:18, 24/03/2023
Hữu Liên có hệ sinh thái vô cùng đa dạng, phong phú với những dãy núi đá vôi hiểm trở, tạo nên cảnh quan đẹp đặc sắc gồm các hang động, suối ngầm và các hồ ngập nước theo mùa.
Qua điều tra, đánh giá của Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên, tại đây đã ghi nhận thông tin về 961 loài thực vật, 776 loài động vật, lưu giữ 880 mẫu tiêu bản của 250 loài động, thực vật. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình, nơi đây còn ghi dấu bởi sự đa dạng văn hóa với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, như: Kinh, Tày, Nùng, Dao,…
Tại Quyết định số1976/QĐ-TTg về “Phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, toàn bộ diện tích rừng đặc dụng Hữu Liên được bảo tồn hệ sinh thái rừng, các loài quý, hiếm và cảnh quan môi trường. Hàng năm, khu rừng này thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đây chính là là lợi thế để nhân dân phát triển du lịch sinh thái.
Có 7 thôn nằm trọn vẹn trong rừng đặc dụng, hàng năm, bà con xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đều được giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng/năm. Với các thôn, bản tham gia tích cực, được nhận thêm kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn/năm.
Theo lãnh đạo xã Hữu Liên, địa phương này là xã vùng 3 cách trung tâm huyện Hữu Lũng 30km, có gần 800 hộ dân, nhiều dân tộc cùng sinh sống, những năm qua, nhờ nguồn vốn giao khoán bảo vệ rừng, đã giúp bà con đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm… và phát triển kinh tế.
Đặc biệt, bà con trong xã còn tận dụng nhiều lợi ích từ đa dạng sinh học để phát triển du lịch sinh thái, xây dựng và phát triển các làng du lịch cộng đồng. Tháng 10/2020, làng du lịch cộng đồng Hữu Liên được công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Hiện trên địa bàn xã đã được quy hoạch 3 phân khu để đầu tư phát triển du lịch thuộc 5 thôn với diện tích hơn 300ha.
Từ 6 hộ ban đầu, toàn xã hiện có 13 homestay, năm 2022 đã đón gần 40.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm; doanh thu từ du lịch ước đạt trên 12 tỷ đồng. Đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao, có thu nhập ổn định, người dân càng thêm tin tưởng vào các cấp chính quyền và bảo nhau phải nỗ lực hơn để giữ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Rừng đặc dụng Hữu Liên, công tác giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng ngày càng thu hút được đông đảo thôn bản, quần chúng nhân dân tham gia. Hiện nay, đã có 60ha rừng được khoanh nuôi tái sinh, 7.270ha rừng được giao khoán bản vệ cho 4 tổ nhận khoán với 61 hộ gia đình và 12 cộng đồng thôn theo từng lô rừng cụ thể.
Ban quản lý rừng cũng đã thành lập các tổ nhận khoán bảo vệ rừng thường trực và xây dựng quy chế hoạt động của tổ, thống nhất lịch tuần tra, kiểm tra rừng nhận khoán. Các thôn, bản, hộ nhận khoán đã tích cực tuần tra, kiểm tra rừng theo lịch đề ra, nắm chắc diễn biến, tình hình diện tích rừng và báo cáo kịp thời với đơn vị.
Đặc biệt, thực hiện chính sách đầu tư cộng đồng thôn bản vùng đệm rừng đặc dụng với kinh phí được giao 440 triệu đồng /11 thôn bản, ngay từ đầu năm, Ban quản lý rừng đã xây dựng cam kết bảo vệ rừng với các tiêu chí cụ thể, chủ động phối kết hợp cùng với cấp ủy, chính quyền các xã giáp ranh rừng đặc dụng để tuyên truyền, vận động các thôn ký cam kết bảo vệ rừng đặc dụng.
Trong năm 2022, đã tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh các thôn tại xã Hữu Liên được 192 tin bài; 3 lượt tuyên truyền lưu động; 25 cuộc tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp thôn với 1.630 lượt người nghe. Ngoài ra, các cán bộ quản lý địa bàn của Ban đã thường xuyên thực hiện tuyên truyền cá biệt khi xuống cơ sở tiếp xúc với các hộ gia đình.
Nhờ đó, nhận thức của nhân dân về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng nâng lên. Tình hình rừng đặc dụng ổn định, không phát sinh điểm nóng, phức tạp, không có các tụ điểm khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các hành vi vi phạm Luật lâm nghiệp giảm so với cùng kỳ. Ranh giới rừng được quản lý chặt chẽ, các vụ việc phát nương, làm bãi, xâm lấn đất rừng được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Để tiếp tục giữ rừng, nâng cao tính đa dạng sinh học, Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng. Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, tiếp tục tổ chức triển khai các nội dung hạng mục của phương án quản lý rừng bền vững khu rừng đặc dụng Hữu Liên giai đoạn 2021-2025. Hoàn thành việc xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Hữu Liên giai đoạn 2021-2030. Triển khai chính sách hỗ trợ phát triển vùng đệm cho các thôn bản đăng ký đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Rà soát, triển khai các tuyến, điểm có khả năng phát triển du lịch sinh thái; tích cực quảng bá hình ảnh về rừng đặc dụng trên trang thông tin điện tử của huyện, xã, đơn vị…
Năm 2022, Ban quản lý rừng đặc dụng đã tổ chức trên 1.000 cuộc tuần tra rừng với hơn 3.600 lượt người tham gia; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý 8 vụ phát nương làm bãi lấn chiếm đất rừng đặc dụng với diện tích 0,95ha. Đã chôn 70 biển báo tại các vị trí giáp ranh giữa đất rừng đặc dụng và đất canh tác của người dân. Các Tổ bảo vệ rừng, cán bộ địa bàn tăng cường bám sát địa bàn rừng, nắm chắc diễn biến, biến động rừng, đôn đốc các tổ nhận khoán thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng nhận khoán.