Quảng Ngãi: Tạo sinh kế ổn định cho dân cư nơi lòng hồ thủy điện

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:17, 24/03/2023

(TN&MT) - Với lợi thế mặt nước ở vùng lòng hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện tỉnh Quảng Ngãi xác định bên cạnh việc triển khai các mô hình nuôi cá nước ngọt, nơi đây còn có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái, góp phần tạo việc làm, nâng cao tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Nhiều tiềm năng

Công trình hồ chứa nước Nước Trong (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành từ năm 2016. Đây là một dự án lớn, đa mục tiêu, công trình xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành từ năm 2016, góp phần quan trọng trong việc bổ sung, cấp nước tưới ổn định cho hệ thống thuỷ lợi Thạch Nham; kết hợp phát điện và điều tiết, cắt lũ cho vùng hạ lưu sông Trà Khúc.

Hồ có diện tích lưu vực khoảng 46 km2, dung tích 289 triệu m3, diện tích mặt hồ trên 1.100 ha. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thuỷ sản nên hiện tại thuỷ sản trong hồ tương đối phong phú và đa dạng, lượng cá người dân khai thác, hưởng lợi từ hồ khá lớn.

Để giúp người dân sinh sống xung quanh hồ chứa nước Nước Trong nắm bắt kỹ thuật và phát triển nghề nuôi cá lồng bè trong lòng hồ, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai mô hình “Nuôi cá lăng nha thương phẩm trong lồng trên các lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện” với quy mô 400 m3, thả 8.000 con cá lăng nha giống (mật độ thả 20 con/ m3) và 2 hộ dân tham gia.

qngai1.jpg
Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế từ tài nguyên nước ở lòng hồ thuỷ lợi, thuỷ điện

Sau 8 tháng thực hiện mô hình, cá đạt trọng lượng bình quân 600g/con, tỷ lệ sống đạt 80%. Tổng sản lượng cá thu được hơn 3,8 tấn, với giá bán 140.000 đồng/kg, tổng thu từ mô hình đạt gần 540 triệu đồng, trừ các khoản chi phí mô hình cho lãi trên 200 triệu đồng.

Qua thực tế các mô hình nuôi cá lồng bè trong lòng hồ chứa nước Nước Trong cho thấy, những năm gần đây phong trào nuôi cá nước ngọt tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các hồ chứa tự nhiên có sự phát triển với nhiều đối tượng nuôi truyền thống và đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như cá chình, thát lát, lăng nha, bống tượng, trắm, điêu hồng,... đã và đang thực hiện với hình thức nuôi lồng bè và thả nuôi tự nhiên.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, đối với hồ chứa nước Nước Trong, mấy năm qua được tỉnh quan tâm, nhà đầu tư đã tận dụng tiềm năng để phát triển kinh tế, trong đó có nuôi cá nước ngọt. Huyện phấn đấu trong năm 2023- 2024 sẽ có sản phẩm OCOP từ mô hình này.

Vừa nuôi thủy sản, vừa làm du lịch

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 124 hồ chứa với tổng dung tích trữ thiết kế hơn 409 triệu m3, nằm trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, có 25 hồ chứa nước lớn, 36 hồ chứa nước vừa và 63 hồ chứa nước nhỏ. Đa số các hồ chứa đều có độ sâu mực nước hơn 10 mét và diện tích lưu vực lớn.

Những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện và các hồ chứa tự nhiên được phát triển và thực hiện theo hình thức quảng canh, thả nuôi tự nhiên và một số hồ nuôi cá lồng.

qngai2.jpg
Nuôi cá lồng – hướng phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng lòng hồ thủy điện ở Quảng Ngãi

Trung bình hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 940 ha diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản nước ngọt, trong đó có khoảng 800 ha nuôi ở các hồ chứa, với sản lượng khoảng 1.700 tấn/năm. Tổ nuôi thủy sản hồ Núi Ngang được xem là mô hình nuôi hiệu quả, đem lại thu nhập đáng kể cho các tổ viên.

Ông Trần Phước Hiền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc tận dụng được lợi thế nguồn mặt nước dồi dào từ các hồ chứa cùng với đầu tư bài bản, có khoa học, phù hợp với từng địa phương sẽ giúp mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lòng hồ chứa phát triển, tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hướng tới phát triển bền vững môi trường sinh thái ở các hồ chứa.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã trình UBND tỉnh Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên sông, lòng hồ chứa nước thủy lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đây được xem là giải pháp quan trọng, tạo động lực phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại các lòng hồ thủy lợi, thủy điện theo hướng đa mục tiêu, cũng như góp phần tạo sinh kế ổn định và bền vững cho người dân trong lưu vực.

Do vậy, thời gian tới UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành và chính quyền địa phương cần rà soát quy hoạch khu vực, vị trí nuôi trồng thủy sản đảm bảo các quy định an toàn hồ chứa; phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch giải trí khu vực hồ chứa nhằm phát triển kinh tế.

Lãnh đạo tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên tổ chức hoạt động thả giống thủy sản bổ sung để tái tạo nguồn lợi thủy sản; theo dõi, đánh giá hiệu quả nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ chứa nước Nước Trong nói riêng, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh nói chung; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới và xử lý tốt vấn đề môi trường lòng hồ, tạo điều kiện cho việc nuôi cá lòng hồ chứa từng bước phát triển, góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Võ Hà