Bù Đốp - Bình Phước: Sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp giúp thoát nghèo
Xã hội - Ngày đăng : 20:21, 23/03/2023
Chú trọng giảm nghèo
Trong thời gian qua, bắt tay thực hiện phong trào “chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, một số địa phương trong tỉnh đã và đang từng ngày mang một diện mạo mới. Trong đó, huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước (giáp gianh nước bạn Campuchia) cũng đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo nói chung, nhất là đồng bào DTTS từng bước ổn định đời sống, kinh tế không ngừng được nâng cao, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Điển hình, anh Điểu S’han (người dân tộc Stiêng, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp) là hộ thuộc diện nghèo. Năm 2020 được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà ở, cây giống, phân bón và vay vốn 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đốp. Có vốn, gia đình anh Điểu S’han đã cải tạo lại miếng đất gần 1,5 ha khô cằn bỏ hoang hóa trước đây trở nên màu mỡ để trồng tiêu. Mỗi năm, vườn cây tiêu của anh mang lại lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng. Dự tính mùa thu hoạch tới, anh Điểu S’han sẽ mua thêm 2 ha đất nữa để trồng cây sầu riêng, tăng gia sản xuất.
Tương tự, hộ gia đình bà Hoàng Trang (người dân tộc Tày, xã Tân Tiến), trước đây, hộ gia đình bà Trang thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 0,2 ha đất nên gia đình bà Trang chỉ biết trồng các loại cây ngắn ngày như: Ngô, mía... Nguồn thu nhập chi tiêu trong gia đình chủ yếu là đi làm thuê, làm mướn. Công việc làm thuê bấp bênh nên cái nghèo đeo bám dai dẳng. Năm 2019, gia đình bà Trang đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đốp cho vay vốn 60 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn đó, gia đình bà Trang đã mua đàn dê về nuôi sinh sản.
Năm 2021, gia đình bà Trang tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò giống. Còn mảnh đất chuyển sang trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho đàn dê và bò. Từ nguồn hỗ trợ cơ bản từ chính quyền, cộng với việc sử dụng hiệu quả canh tác khu đất, gia đình bà Trang đã thoát khỏi diện nghèo, cuộc sống dần ổn định, không còn đi làm thuê làm mướn tần tảo như ngày trước. Gia đình bà Trang dự kiến giữa năm 2023 thuê mảnh đất khoảng 1ha gần nhà, nhờ cán bộ chuyên trách nông nghiệp hướng dẫn cải tạo đất, dựng nhà lồng và hệ thống tưới nước tự động để trồng rau sạch.
Huy động nguồn lực
Không chỉ gia đình anh Điểu S’han bà Hoàng Trang mà rất nhiều hộ gia đình nghèo ở huyện Bù Đốp cũng đã từng bước vươn lên thoát nghèo, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai vốn có ban đầu. Cạnh đó, việc hỗ trợ từng hoàn cảnh khó khăn phù hợp với điều kiện thực tế đã tạo đà thuận lợi cho người dân nghèo phát huy lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, sử dụng nguồn lực đất đai canh tác phù hợp, từ đó góp phần giúp người đồng bào DTTS nâng cao đời sống, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Minh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) cho biết: Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, huyện Bù Đốp đã huy động tất cả các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân sớm thoát nghèo. Trong đó, huyện tập trung nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo có thêm điều kiện phát triển sản xuất trên đất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các hộ dân được thụ hưởng, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả rất tốt.
Mới đây, tại buổi gặp mặt các già làng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bù Đốp, chính quyền địa phương cũng đã có hướng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất,.. tại các vùng có đông đồng bào DTTS đang sinh sống nhằm sớm ổn định dân cư tại vùng đặc biệt khó khăn này, có đất để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Tỉnh Bình Phước cũng sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS.
“Trong thời gian qua, việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS, người nghèo đã giúp nhiều hộ dân từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống, chống tái nghèo. Trong năm 2023, huyện Bù Đốp tiếp tục phấn đấu giảm thêm 272 hộ nghèo. Từ nguồn hỗ trợ cơ bản từ chính quyền giúp người dân địa phương đầu tư phát triển sản xuất, cộng với việc sử dụng hiệu quả canh tác đất nông nghiệp đã giúp nhiều người DTTS sinh sống ở vùng biên giới huyện Bù Đốp thoát khỏi diện nghèo, cuộc sống dần ổn định”, ông Nguyễn Minh Phong cho hay.